Là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với thành tích của đội tuyển quốc gia, HLV Park Hang-seo thừa nhận, bóng đá Việt Nam cần “quay trở lại với sự khiêm nhường như lúc đầu, nhưng mang theo đó những khát vọng và hoài bão lớn lao”. Hay nói cách khác, đội tuyển vẫn sẽ đặt những mục tiêu cao trong nỗ lực vươn tầm châu Á, nhưng phải làm điều đó bằng tâm thế của những người chưa có gì trong tay, lao động nhiều hơn và gạt bỏ thói quen “ngủ quên trên chiến thắng”.
Trong dự thảo Chiến lược Phát triển thể thao tầm nhìn đến 2050 đang được Bộ VH-TT-DL lấy ý kiến các địa phương, mục tiêu của bóng đá Việt Nam đã được thay đổi. Trong chiến lược được Chính phủ phê duyệt năm 2013, đến năm 2030, chúng ta cần có mặt trong tốp 15 châu Á. Nhưng theo dự thảo mới, mục tiêu sẽ là tốp 10 và với tầm nhìn đến 2050 phải ổn định trong tốp 8. Điều này có nghĩa, dự World Cup sẽ là tham vọng mà bóng đá Việt Nam phải hướng đến.
Ở thời điểm hiện nay, đó không phải là mục tiêu quá xa vời. Đội tuyển do HLV Park Hang-seo dẫn dắt đang là 1 trong 12 đội mạnh nhất châu lục thi đấu tại vòng loại cuối cùng của World Cup 2022. Kể từ World Cup 2026, số lượng suất tham dự của châu Á sẽ tăng lên 8, mở ra cánh cửa cho những nền bóng đá như Việt Nam hay Thái Lan. Tuy nhiên, khi cơ hội rộng mở cho chúng ta, cũng đồng thời dành cho nhiều nền bóng đá khác, tính cạnh tranh vì thế không hề ít đi mà thậm chí còn nhiều hơn, bởi xét về mức độ đầu tư cho bóng đá thì còn rất nhiều quốc gia có tiềm năng lớn hơn Việt Nam. Vì thế, điểm mấu chốt của chiến lược phải nằm ở việc duy trì vị thế hiện tại bằng cách đổi mới đội tuyển.
Bóng đá Việt Nam không nên giữ thói quen chờ đợi một thế hệ đặc biệt xuất hiện để dồn mọi kỳ vọng vào họ như cách làm suốt hơn 20 năm qua. Cần phải học hỏi cách làm của Thái Lan, khi họ không bao giờ để xuất hiện bất kỳ sự đứt gãy nghiêm trọng về mặt nhân sự trong một thời gian dài. Kể cả khi gặp khủng hoảng lớn nhất, thì chỉ tối đa 4-5 năm là bóng đá Thái đã trình làng một đội tuyển mới về con người lẫn bản lĩnh thi đấu.
Trong khi đó, tại AFF Cup 2020, cầu thủ U23 duy nhất không thuộc “lứa 2018” có được suất đá chính ở đội tuyển Việt Nam là Nguyễn Hoàng Đức, nhưng thực ra tiền vệ của CLB Viettel này từng dự U20 World Cup hồi năm 2017. Như vậy, suốt 4 năm qua, không có cầu thủ nào từ các đội trẻ dự SEA Games 30 và sắp đến là SEA Games 31, có mặt trên đội tuyển quốc gia.
Tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ không đơn thuần chỉ là vấn đề nhân sự. Sự có mặt của họ trên tuyển vừa đem đến sự cạnh tranh, vừa tạo ra luồng sinh khí về tinh thần cho chính các trụ cột bởi cái khao khát được thể hiện mình và dòng máu phiêu lưu của họ. Những tuyển thủ trẻ vốn đã được trải nghiệm ở các sân chơi châu lục thuộc lứa tuổi U19, U22 chắc chắn tích lũy được kinh nghiệm quốc tế tốt không kém gì các ngôi sao tại V-League. Dù không thể bằng được những trụ cột của đội tuyển, nhưng chắc chắn họ sẽ mang đến những sắc thái mới về tinh thần, phong cách thi đấu và nhất là niềm vui chơi bóng. Đó chính là những yếu tố mà đội tuyển Việt Nam không thể có ở AFF Cup 2020 sau một thời gian dài đóng khung nhân sự, đấu pháp quen thuộc và sự sa sút về thể chất, tâm lý.
Sự tiếp nối giữa các thế hệ không thể cứ phải chờ hết một chu kỳ 10-15 năm mà phải từ sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn ngay ở đội tuyển hiện tại, khởi đầu phải là sự thay đổi của của ban huấn luyện. HLV Park Hang-seo thừa nhận, bản thân ông cũng cần đổi mới tư duy, tránh đi vào lối mòn về chiến thuật và việc mạnh dạn thay đổi vị trí thủ quân của đội tuyển chính là thông điệp của một làn gió mới.