Chiều 5-7, tại ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX, các đại biểu (ĐB) có nhiều ý kiến thảo luận và bày tỏ sự lo lắng trước vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố.
Báo cáo trước hội trường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM Thi Thị Tuyến Nhung cho biết, HĐND TP đã có kết quả thực hiện chính sách pháp luật về ATTP ở TPHCM trong hai năm 2015-2016.
Theo đó, trên địa bàn TP có nhiều kênh phân phối và cung cấp thực phẩm đến người dân như 3 chợ đầu mối, 240 chợ truyền thống có kinh doanh ngành hàng thực phẩm, dịch vụ ăn uống; 186 siêu thị và hơn 880 cửa hàng tiện lợi.
Ngoài ra, toàn TP còn có 46.950 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và khoảng 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố…
Công tác phối hợp kiểm soát nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn luôn được quan tâm, chú trọng và đã lấy mẫu đối với hơn 7.960 mẫu thực phẩm chế biến các loại tại chợ, cửa hàng, siêu thị, thức ăn đường phố để kiểm tra.
Trong đó, cấp TP có tỷ lệ phát hiện vi phạm rất cao, như Sở Y tế phát hiện gần 80% tổng số cơ sở bị kiểm tra có vi phạm. Tỷ lệ này ở các Sở NN-PTNT gần 92% và Sở Công Thương hơn 85%.
Trong khi đó, các quận huyện có kiểm tra số lượng lớn (hơn 82.000 cơ sở) nhưng tỷ lệ vi phạm rất thấp, chỉ phát hiện hơn 3.800 cơ sở vi phạm (tỷ lệ 4,6%).
Trước thực trạng này, ĐB Đặng Thị Phương Linh cho biết nỗ lực mang đến bữa ăn an toàn cho người dân của các ban ngành, đoàn thể trong thời gian qua có những kết quả đang ghi nhận. Tuy nhiên, kết quả trên vẫn chưa thể đáp ứng tất cả nhu cầu người dân đưa ra.
Đơn cử, công tác truy xuất nguồn gốc thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực nhưng cử tri vẫn chưa thực sự an tâm.
“Trong bức tranh ATTP hiện nay, người dân khó có thể làm người tiêu dùng thông minh. Bằng mắt thường, người dân không thể phân biệt thịt heo, trứng gà, rau... ở chợ, trong cửa hàng là thực phẩm đạt hay không đạt chuẩn. Như vậy, TPHCM cần có giải pháp căn cơ từ đầu nguồn, tức là làm sao để nhà sản xuất thực hiện tốt công tác đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm”, bà Đặng Thị Phương Linh nêu ý kiến.
Từ đó, ĐB Linh đề xuất giải pháp chế tài nghiêm, kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học.
Điểm tựa hỗ trợ khoa học công nghệ trong bức tranh ATTP chưa được thể hiện rõ nét. Điển hình, nếu nhà khoa học tư vấn phương thức, có thêm khoa học công nghệ hỗ trợ thì việc dùng hàng the sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu; hộ sản xuất nhỏ, lẻ cải thiện tốt chất lượng sản phẩm.
Tương tự, ĐB Nguyễn Mạnh Trí đồng tình, tâm đắc khi HĐND TP thực hiện kỹ lưỡng công tác khảo sát, giám sát trong lĩnh vực VSATTP.
Kết quả giám sát phần nào giúp đại biểu thu thâp thông tin, vẽ nên bức tranh chung về VSATTP trên địa bàn TP.
Nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thông qua cách thức “test nhanh” không phải cơ sở xử phạt nhưng là bước đầu tiên giúp cơ quan chức năng nhận định tình hình, nâng tính răn đe. Tuy nhiên, một số nơi lúng túng về hướng xử lý sau khi “test”.
ĐB góp ý TP nên ưu tiên giải quyết một vấn đề có tác động đến nhiều vấn đề, như việc kiểm soát và kinh doanh các loại hóa chất, hương liệu.
Một quy định rõ ràng danh sách những loại được phép sử dụng sẽ góp phần ngăn chặn, hạn chế tình trạng lạm dụng chất kích thích, hóa chất. Song song đó, TP nên có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương. Cơ quan chức năng có thể thông tin đến người dân những sự vụ cụ thể đã và đang được giải quyết nhanh gọn, rõ ràng. Từ đó, người dân có thêm cơ sở ghi nhận sự cố gắng của chính quyền, nhận thấy quy định pháp luật thực sự đi vào cuộc sống.
Theo báo cáo giám sát của HĐND TP, nhằm cải thiện ATTP đối với thức ăn đường phố, Sở Y tế đã phối hợp với UBND quận, huyện và phường xã tập huấn, xác nhận kiến thức ATTP cho gần 23.200 người, khám sức khỏe cho hơn 18.800 người tham gia kinh doanh và phục vụ thức ăn đường phố.
TPHCM còn xây dựng bốn phường điểm ở quận 4 (phường 12), quận 3 (phường 2), quận Tân Phú (phường Tân Thành) và quận Bình Tân (phường An Lạc A) kiểm soát về điều kiện ATTP trong kinh doanh thức ăn đường phố.
Ngoài ra, một số quận, huyện tiếp tục xây dựng các phường, xã điểm kiểm soát ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố hoặc tuyến đường điểm không có thức ăn đường phố.
ĐB Trần Quang Thắng cho rằng, tỷ lệ hơn 48% cơ sở thức ăn đường phố khi bị kiểm tra có vi phạm về ATTP là rất cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Từ đó, ĐB Thắng đề nghị cần ưu tiên kiểm soát đối với hoạt động này.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định khả năng bảo đảm ATTP của thức ăn đường phố là rất yếu nhưng giải pháp nào quản lý vẫn chưa rõ.
“Ngoài ra, tại chợ đầu mối mà kinh doanh như thế (chủ hàng tự kê khai nguồn thực phẩm - PV) thì sao mà quản lý được? Trong lúc chờ kết quả xét nghiệm định lượng về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, về hoá chất và kháng sinh trong sản phẩm động vật mà đã được đưa đi tiêu thụ. Đến khi có kết quả xét nghiệm thì thức ăn đã được người dân tiêu thụ rồi”, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.
Người đứng đầu HĐND TP cũng đề nghị UBND TP và sở ngành phân tích rõ hơn về nguyên nhân, hạn chế cũng như đặt ra các giải pháp cụ thể ra sao?