Nhiều nội dung mới
Bản Dự thảo nghị định hiện có 20 điều, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các khoản 3, 4, 10, 12, 13, 15, 17, 23, 24, 28, 34, Điều 1 của Luật số 34. Điểm nổi bật của dự thảo chính là hướng dẫn cụ thể nhiều vấn đề mà luật quy định, đặc biệt là nội dung tự chủ đại học.
Về vấn đề đang thu hút sự quan tâm vừa qua là đặt tên, đổi tên trường... được quy định rõ theo quy định của Việt Nam và kèm theo tên quốc tế. Điều 4, chuyển trường ĐH thành ĐH và thành lập trường thuộc trường ĐH quy định điều kiện như sau: trường ĐH đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp; có ít nhất 3 trường thuộc trường ĐH được thành lập; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người; có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường ĐH công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường ĐH tư thục, trường ĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.
Thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc trường ĐH theo khoản 2 Điều 1 của Luật số 34 được quy định như sau: điều kiện thành lập phải có ít nhất 5 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ ĐH trở lên (trong đó có ít nhất 3 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 1 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ); trường hợp thành lập trường trong trường ĐH đã xác định sứ mạng là trường ĐH ứng dụng thì không cần điều kiện đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc trường ĐH; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên, trường hợp thành lập trường đào tạo các ngành đặc thù, có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT căn cứ vào điều kiện thực tế. Tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh của trường sử dụng thuật ngữ “School” cùng với tên lĩnh vực đào tạo hoặc tên riêng khác, bảo đảm không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục ĐH đã thành lập hoặc đăng ký.
Để phát huy tốt tính tự chủ, ban soạn thảo dành từ Điều 7 đến Điều 9 để quy định quy trình, thủ tục, điều kiện... của hội đồng trường, hội đồng ĐH. Trong đó, chủ tịch hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ cao nhất trong danh mục phụ cấp chức vụ của trường ĐH.
Về quy định công nhận trường ĐH định hướng nghiên cứu phải đáp ứng các tiêu chí như có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục ĐH. Trong 3 năm gần nhất, trường ĐH công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới và đạt tỷ lệ trung bình mỗi năm từ 0,3 bài trở lên đối với mỗi giảng viên cơ hữu...
Cần ban hành sớm
Hiện nay, các cơ sở giáo dục ĐH đang trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan vì luật cũ đã hết hiệu lực thi hành, còn luật mới có hiệu lực nhưng không thể thực thi vì phải chờ nghị định hướng dẫn thi hành.
GS-TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Cần Thơ, nói: “Luật số 34 đã có hiệu lực nhưng hiện các trường băn khoăn vì không biết thực hiện như thế nào. Ví dụ Luật số 34 cho phép các trường đầu tư, khai thác..., nhưng hiện nay làm có được không vì vướng Luật Đầu tư công, Luật Quản lý tài sản công...”.
Hiệu trưởng một trường ĐH bày tỏ: “Chúng tôi trông chờ nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34 như “nắng hạn chờ mưa”. Và điều chúng tôi mong muốn nghị định ban hành thật sự là cơ sở pháp lý tốt để các trường phát huy tính tự chủ, bứt phá mạnh hơn”.
Tại cuộc họp ngày 15-10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu ban soạn thảo Dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật số 34 tiếp thu và chỉnh lý nhiều nội dung rất quan trọng như: Về các vấn đề quy định liên quan đến đào tạo y tế, yêu cầu ban soạn thảo thống nhất với Bộ Y tế để quy định; tiếp thu và chỉnh lý những điểm sau: tên tiếng Anh của các trường quy định theo hướng đảm bảo thông lệ quốc tế; vấn đề chuyển trường ĐH thành ĐH cần rà soát, chỉnh lý lại các quy định về thành lập trường, trong trường theo hướng cân nhắc không quy định các trường này phải đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu tiếp thu việc bỏ quy định về xin ý kiến cơ quan chủ quản đối với việc thành lập trường thuộc trường, chỉnh lý quy định về phụ cấp trách nhiệm của hội đồng trường… Về vấn đề tự chủ, Bộ GD-ĐT phải rà soát lại, quy định về tự chủ chuyên môn, không siết các quy định tự chủ về chuyên môn, học thuật; chỉnh lý quy định về tự chủ tài chính (nguồn thu và chi); trong đó thay đổi cách cấp ngân sách, đảm bảo không mâu thuẫn với Nghị định số 16 sửa đổi; chỉnh lý dự thảo theo hướng cho phép các trường ĐH được tự chủ bộ máy, nhân sự với điều kiện không làm tăng quỹ lương từ nguồn ngân sách. Đặc biệt, Bộ GD-ĐT xây dựng quy trình hướng dẫn bổ nhiệm hiệu trưởng của các trường thuộc bộ để làm mẫu cho các bộ ngành khác thực hiện.