Tại cổng số 3 của Bệnh viện Nhi đồng 1 trên đường Lý Thái Tổ, một đoạn vỉa hè không đến 100m la liệt các hàng quán. Đa dạng các mặt hàng, từ hàng ăn, đến đồ chơi, quần áo… Ô tô đậu, xe ôm chèo kéo khách hàng, toàn bộ vỉa hè bị lấn chiếm trái phép. Trong khi đó, bảo vệ của bệnh viện chỉ khoanh tay đứng nhìn. Người nhà bệnh nhân phải xuống lòng đường để đi. Cổng bệnh viện ồn ào tiếng chèo kéo mua hàng, tình hình giao thông hỗn loạn cả khi không phải giờ cao điểm.
Tại cổng các bệnh viện đều có gắn các biển cấm buôn bán, song không tác dụng. Tiểu thương ngang nhiên bày hàng ra bán, không chỉ vài sạp nhỏ, mà thành chợ tự phát, đa dạng các mặt hàng. Nhiều đoạn vỉa hè trước cổng các bệnh viện đã trở thành các khu ẩm thực không đảm bảo vệ sinh. Được hỏi rằng bày hàng bán ở cổng bệnh viện có bị phạt không, những người bán đều cho biết họ nắm rõ lịch hoạt động của các cơ quan chức năng để tránh.
Nguyên do nhiều người đến bán hàng tại cổng các bệnh viện là vì nơi đây đông khách, dễ bán, nên có thu nhập khá. Chị Nguyễn Thị Hương (từ Phú Yên vào TPHCM bán hàng rong) cho biết: “Bình thường tôi hay bán trước Bệnh viện Nhân dân 115. Hôm nay tôi đến bán trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 1 vì chủ nhật bệnh nhi đông lắm! Đến đây bán không chỉ bị công an đuổi, mà những người buôn bán lâu năm tại đây cũng đuổi để giữ khu vực làm ăn của họ”.
Nghị định 171/2013 đã quy định phạt tiền từ 2 triệu - 3 triệu đồng đối với cá nhân, 4 triệu - 6 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa… trái phép trên lòng đường đô thị, hè phố gây cản trở giao thông. Dù mức chế tài cao như vậy nhưng tình trạng buôn bán trên vỉa hè tại cổng bệnh viện vẫn diễn ra. Do đó cần phải có sự vào cuộc kiên quyết hơn của các cơ quan chức năng và các bệnh viện để chấn chỉnh.