Khó đi lại trong chợ
Các tiểu thương chợ Hóc Môn kinh doanh đủ các mặt hàng thiết yếu, từ thịt cá, rau củ quả đến đồ ăn thức uống, giày dép, quần áo, mỹ phẩm đều có khu vực riêng biệt. Tuy nhiên, trong chợ vùng nông thôn, sự tùy tiện thể hiện khá rõ. Dù có biển cấm các loại xe ra vào khu vực bán thực phẩm tươi sống, nhưng một số tiểu thương và người mua hàng vẫn phóng xe máy vào chợ.
Người đi chợ nhiều lần phải chuyển qua đường khác hay dừng chân đợi xe đi qua. Khu vực kinh doanh bao bì nhựa, túi xốp… khá phức tạp. Dây điện đóng bụi, mạng nhện giăng mắc bên trên. Các quầy đều sử dụng đèn LED màu trắng, tuy nhiên, không ít quầy bày biện, chồng chất hàng hóa rất cao sát với bóng đèn. Đó là chưa kể, quầy hàng đối diện nhà vệ sinh chồng chất bao bì nhựa bao quanh bóng đèn, không an toàn phòng cháy.
Khu vực kinh doanh ngành may mặc, mỹ phẩm ở cả hai khu chợ 1 và 2 đều có tình trạng bất ổn, với lối đi cũng là lối thoát nạn khi có sự cố lại quá nhỏ hẹp. Bà Hồng Nhung (ngụ tại khu phố 6, thị trấn Hóc Môn) cho biết: “Dù trên địa bàn cũng có các siêu thị, nhưng tôi vẫn thích đi chợ Hóc Môn để mua sắm thức ăn. Quen rồi, cần gì thì đến ngay quầy hàng. Tuy nhiên, tôi không dám đi mua quần áo, giày dép ở chợ này, không phải vì giá đắt hay chất lượng không tốt, mà vì e ngại lối đi quá nhỏ hẹp. Hai người đi ngược chiều nhau là phải có một người nhường. Lỡ có sự cố cháy nổ thì chắc chắn nhiều tiểu thương và người đi chợ sẽ khó thoát ra an toàn. Trong các cuộc họp tổ dân phố hay tiếp xúc với đại biểu dân cử, chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến phản ánh nỗi lo này, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy chuyển biến”.
Thật vậy, ở khu vực bán quần áo, mỹ phẩm, cả hai bên quầy đều bày hàng hóa lấn chiếm, khiến cho lối đi càng thêm nhỏ hẹp. Nhiều chỗ phải lách mình mới có thể di chuyển được. Chỉ cần một khách hàng dừng lại mặc cả hay chọn hàng thì lập tức xảy ra ùn tắc.
Sẽ tập trung chấn chỉnh
Phóng viên Báo SGGP đã nêu các thông tin từ tiểu thương phản ánh và từ ghi nhận thực tế ở chợ Hóc Môn đến ban quản lý chợ. Bà Trần Thị Yến Ngọc, Phó ban quản lý chợ, không phủ nhận thực trạng đó và cho biết: “Chợ Hóc Môn có quy mô khá lớn với 286 sạp ở 2 khu và hàng trăm sạp bán thịt cá, rau củ quả ở bên ngoài nhà lồng chợ. Quầy nào cũng có bình chữa cháy cầm tay. Lần nào đi kiểm tra an toàn phòng cháy, ban quản lý đều nhắc nhở khắc phục việc lấn chiếm lối đi, lối thoát nạn. Hàng ngày, anh em phụ trách an ninh trật tự đều tuần tra nhắc nhở, các tiểu thương chấp hành ngay. Nhưng khi anh em chuyển qua khu vực khác thì sai phạm lại tái diễn. Chúng tôi rất thông cảm với bà con tiểu thương vì hàng hóa nhiều chủng loại nhưng quầy sạp nhỏ hẹp, vì an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, chúng tôi rất kiên quyết xử lý sai phạm. Chúng tôi đã nghĩ đến việc lắp đặt camera quan sát để dễ dàng quản lý, phát hiện sai phạm và kịp thời nhắc nhở. Tuy nhiên, chi phí đầu tư khá cao và kinh phí lại hạn hẹp, nên chưa thể thực hiện được”.
Nhờ lắp đặt camera quan sát, toàn bộ khu vực chợ Bến Thành và các chợ khác đã được đảm bảo tốt về tình hình an ninh trật tự, sự cố cháy nổ. Các hành vi sai phạm về trật tự và các hành vi móc túi, rạch giỏ của đối tượng xấu trà trộn trong chợ đều có thể phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Để có đủ kinh phí lắp đặt camera ở chợ Hóc Môn, nên vận động tiểu thương và cần thêm sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, để giữ cho chợ đảm bảo an toàn phòng cháy.