Chiều ngày 9-2 (tức 30 tết), trên các cánh đồng ở Dương Nội (quận Hà Đông), Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm), An Khánh (huyện Hoài Đức)... thuộc ngoại thành Hà Nội, hầu hết nông dân đã bán hết đào cành, đào thế. Ai cũng phấn khởi. Trong khi cách đây 3-4 ngày, trên những cánh đồng này vẫn còn hơn nửa diện tích chưa bán được, chưa có thương lái về mua.
Một số chủ vườn ở phường Dương Nội cho biết, từ ngày 7-2, miền Bắc có rét nên tư thương ở các chợ về gom hàng đem đi.
Một nông dân ở làng đào La Cả, phường Dương Nội cho biết, ông có hơn 300 gốc đào nhưng năm nay chết gần 100 gốc, còn lại hơn 200 gốc do tuốt lá muộn nên hoa nở đúng kỳ rét giáp tết. Trong đó, 2/3 bán cho các thương lái, số còn lại, con trai, con dâu ông mang ra chợ hoa trước cổng siêu thị Aeon Mall Hà Đông và phường Mai Động (quận Hai Bà Trưng) bán.
"Trưa nay, các con tôi gọi về báo đã bán hết đào", nông dân này vui mừng nói với PV Báo SGGP. Tổng cộng tết này, gia đình ông bán được 50 triệu đồng tiền đào, tính trung bình được giá gần 250.000 đồng/cành.
Trong khi đó, có mặt tại chợ hoa Vạn Phúc vào lúc 15-16 giờ chiều ngày 9-2, PV Báo SGGP chứng kiến, những thương lái vẫn đang đứng tràn trên vỉa hè đường Tố Hữu để bán cho xong những cành đào, chậu quất cuối cùng.
Lượng khách đi chợ hoa tết ngày 30 năm nay ở chợ Vạn Phúc đông đúc hơn hẳn năm ngoái. Nhiều người đã mua đào cành vì thương lái hạ giá chỉ còn bằng 1/2 đến 2/3 giá của những ngày trước, thậm chí bán lỗ; nhưng đào thế thì ít người mua vì chủ vẫn đòi giá cao.
Trong khi quất cảnh vẫn còn ê hề, mức độ tiêu thụ chậm.
Trên vỉa hè, nhiều chỗ đào cành dáng huyền, đào rừng... đã bị thương lái bỏ lại thành đống, mặc cho lao công quét dọn.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một nữ lao công cho biết, từ sáng đến giờ đã 2 lần dọn xác đào của tư thương bỏ lại, vì bán chậm nên nhiều người ở xa đành bẻ bỏ để ra về ăn tết sớm. Để chuẩn bị cho thời khắc đón mừng năm mới, trên địa bàn, các lao công đang phải túc trực dọn dẹp.