Từ thời tivi to đùng, hệ màu còn là PAL, đập vô phành phạch mới tỏ đường tiếng, đường hình thì coi tivi giải trí đã là niềm vui lớn với cư dân xóm lao động. Tôi nhớ, tối đến cứ có tuồng hát hay kịch Trong nhà ngoài phố là cả đám dán mắt vô màn hình. Những Nàng Xê đa, Chung cư chỉ có hai người, Tôi và chúng ta; hay những bộ phim của các nước hệ thống XHCN cũ như: Hồ sơ thần chết, Trên từng cây số, Mười bảy khoảnh khắc mùa xuân… chiếu vào khung giờ buổi tối (nay người ta gọi là giờ vàng), khiến chúng tôi có thể ngồi bàn luận cả ngày, hồi hộp chờ đến tối để quây quần bên nhau. Thời ấy, giải trí chỉ có vậy mà vui.
Bây giờ, chúng tôi cũng muốn tạo cho con mình thói quen xem chương trình Việt vào khung giờ buổi tối. Nhưng, một lần, cậu con trai nhỏ sau khi lướt một vòng các kênh “thuần Việt”, quay qua nói: “Con chẳng biết nên xem gì, vì chẳng có gì hay hết!”. Tôi không biết nói sao, bởi thằng bé nói đúng!
Khi đất nước hội nhập, nhu cầu thưởng thức văn hóa cao hơn thì chuyện thằng nhóc nhà tôi lên 10, muốn thưởng thức nhiều thứ cao siêu hơn trên tivi, âu cũng dễ hiểu. Nhưng “giờ vàng”, chẳng có mấy chương trình vừa phục vụ con, vừa làm vừa lòng cha mẹ chúng. Games show thì đầy rẫy, nhưng chủ yếu cũng chỉ là hát hò, lại vào khung giờ đẹp nhất của thứ bảy và chủ nhật (từ 20 đến 22 giờ).
Mà thi hát hò giờ chán lắm, thí sinh hát hay không nhiều, chủ yếu là đẹp phần nhìn; còn giám khảo thì quay đi quay lại cũng nhiêu đó, cũng tung hứng đủ cả nhưng sao vẫn thấy nhạt. Vietnam Idol hồi mới ra mấy mùa đầu, cả nhà coi thích thú biết bao; bây giờ các chương trình “quần là áo lượt” hơn nhưng nặng chiêu trò quá, đâm ra chán.
Chương trình dành cho con nít thể hiện sự lanh lợi và hiểu biết con trẻ, nhưng mấy đứa nhỏ trên truyền hình lại tự nhiên thái quá, nói chuyện không thưa gửi, trống không; rồi trừng mắt, cãi tay đôi với người lớn. Chúng tôi không muốn trẻ nhà mình coi những chương trình như vậy. Gần đây có mấy chương trình thiên về trí tuệ, nhưng vì nhiều người thích nên quảng cáo suốt, làm tụt cảm xúc.
Phim Việt thì chúng tôi vẫn trung thành với dòng phim truyền hình phía Bắc vì sâu sắc và ủng hộ một số phim phía Nam “vượt khó đi lên”. Nhưng riết, có phim lố lăng, kéo dài lê thê, quảng cáo nhiều hơn phim; có phim lọt cả cảnh nóng, chẳng hiểu nổi sao qua được mấy ông kiểm duyệt? “Giờ vàng” giờ đúng nghĩa là giờ vàng của nhà đài và nhà sản xuất vì kiếm quảng cáo khá tốt.
Muốn coi tuồng hay, tích hay, cải lương, kịch nói như hồi trước mà sao khó quá. Muốn coi kịch, coi cải lương thì ra sân khấu mua vé, chớ nhà đài giờ không phát nữa, chẳng hiểu vì sao? Hay vì mấy món đó không hút được quảng cáo? Thôi thì, kinh tế thị trường, không tiền lấy gì nuôi chương trình, nuôi bộ máy, nên ca kịch truyền thống cứ nằm một bên, để giờ vàng cho quảng cáo vậy.