Mục tiêu của Trung tâm là nhằm góp phần xây dựng TP Cần Thơ thành thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp tiến lên hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, và Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ.
Đây sẽ được xem như một trung tâm logistics của cả vùng; trung tâm có chức năng liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL, đặc biệt là xuất khẩu; trung tâm có khả năng thông thương hàng hóa hai chiều, kết nối các tỉnh ĐBSCL cũng như trong và ngoài nước.
Hiện nay, đường về miền Tây đã có cao tốc, nhưng phải mất gần 4-5 giờ mới đến được Cần Thơ. Đó là đi ô tô, còn container chở hàng hóa sẽ như thế nào? Chính vì vậy, việc Cần Thơ có Trung tâm sẽ là đòn bẩy cần thiết cho đầu ra nông sản miền Tây. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ TPHCM cho thấy, việc tạo ra vùng nguyên liệu, duy trì số lượng, chất lượng nông sản ổn định là rất quan trọng. Cái gốc của vấn đề là sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng để tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định.
Theo lộ trình của đề án: năm 2022 trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Trung tâm, lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng và triển khai các thủ tục pháp lý về đất đai, xây dựng; năm 2023, cung cấp các dịch vụ cơ bản để đưa Trung tâm hoạt động. Quy mô Trung tâm dự kiến đến năm 2050 có diện tích 3.300ha. Giai đoạn 1 khoảng 450ha, tập trung cho sản xuất, chế biến tinh, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp. Mục tiêu đến năm 2030, Trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại, dẫn dắt, thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động nông nghiệp toàn vùng.
Các tỉnh đang đặt kỳ vọng vào sự cần thiết và cấp bách thực hiện đề án, giải quyết đầu ra nông sản miền Tây. Trong đó, cần sớm nạo vét, thông luồng cho các cảng đường thủy hoạt động (nạo vét luồng Định An) và mở rộng sân bay Cần Thơ…, nhất là sự kết nối giữa các trung tâm sản xuất, chế biến trong vùng, cơ chế liên kết, kết nối thị trường một cách hiệu quả.
Lâu nay, nông sản miền Tây xuất thô là chính, giá trị gia tăng chưa có. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu ĐBSCL cứ làm theo kiểu nhỏ lẻ từng địa phương thì khó thành công. Chính vì vậy, cơ hội lớn đang mở ra cho TP Cần Thơ khi có Trung tâm, sẽ giải quyết các vấn đề của đầu vào, đầu ra nông sản. Trung tâm cần là nơi liên kết hiện đại hóa sản xuất hữu cơ, gắn với kinh tế tuần hoàn, đặt trong môi trường kinh tế số. Qua đó, sẽ hình thành các vệ tinh từ các tỉnh trong vùng. Đây là cơ hội để Trung tâm cho thế giới biết đến vùng châu thổ miền Tây, là nơi cung cấp lúa gạo, thủy sản, trái cây lớn…