Với dân số hơn 270 triệu người, Indonesia là quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á. Thị trường điện thoại thông minh của nền kinh tế này là không thể bỏ qua. Theo Bộ Công nghiệp Indonesia, năm 2023, sản xuất điện thoại trong nước là 49 triệu chiếc trong khi nhập khẩu ở mức 2,79 triệu chiếc. Trong số hàng nhập khẩu, 85% là sản phẩm của Apple.
Trong một diễn biến khác, khi báo chí Indonesia và quốc tế đưa tin NVIDIA và Indosat đầu tư 200 triệu USD xây dựng Trung tâm Trí tuệ nhân tạo (AI) ở Indonesia cũng đã có những biểu cảm hụt hẫng tương tự từ cộng đồng mạng. Thế nhưng, ngày 23-4, câu chuyện đã có một kết thúc có hậu: NVIDIA công bố hợp tác với FPT đầu tư 200 triệu USD xây dựng trung tâm AI ở Việt Nam. Trong kinh doanh, rất nhiều thương vụ mặc dù biết chắc kết quả đến 99,99% nhưng những người trong cuộc, vì nhiều lý do khác nhau, chưa thể công bố chính thức cho đến thời điểm thích hợp.
Hẳn những người quan tâm đến lĩnh vực này còn nhớ, Việt Nam đã phải cạnh tranh quyết liệt với Ấn Độ, Thái Lan để hút được Intel - một tập đoàn công nghệ hàng đầu của Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Điều đó cho thấy, giải pháp gốc rễ để duy trì sức thu hút đầu tư vẫn phải là cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm cả những ưu đãi hợp lý, phù hợp với túi tiền ngân sách và không trái với các cam kết quốc tế.
Việt Nam bước đầu đã thu hút được một số dự án lớn vào các ngành năng lượng, sản phẩm công nghệ cao, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh. Song, các dự án đầu tư quy mô còn nhỏ, nằm ở khâu hạ nguồn của chuỗi giá trị, chủ yếu là gia công, công nghiệp nhẹ… Một số ngành, như năng lượng tái tạo, đang có lực hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài sau cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP26 về mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, còn khá nhiều vướng mắc về khung pháp lý, khả năng tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, các chính sách để đảm bảo cho nhà đầu tư được hưởng ưu đãi thỏa đáng khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu vẫn chưa được ban hành đầy đủ.
Cũng cần nói thêm rằng những ngành nghề truyền thống đã có sự thay đổi, không phải mãi mãi là “nâu”, là thâm dụng lao động và nên hạn chế. Đơn cử như dệt may. Dòng vốn FDI vào ngành này đang chảy mạnh trở lại với nhiều dự án đầu tư vào các khâu “thượng nguồn” quy mô lớn và công nghệ hiện đại. Sau khi xây dựng, vận hành nhà máy thứ 2 tại Khu công nghiệp Đồng Văn (tỉnh Hà Nam), sản phẩm của công ty khóa kéo hàng đầu thế giới YKK Việt Nam (trụ sở chính tại Nhật Bản) không chỉ “xuất khẩu tại chỗ” mà còn được xuất khẩu sang các nước như Campuchia và Myanmar. Tập đoàn SAB (Trung Quốc) đưa vào hoạt động nhà máy SAB tại Khu công nghiệp Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) chuyên sản xuất phụ kiện quần áo như dây khóa kéo kim loại, dây khóa kéo nhựa, dây khóa kéo ni lông, cúc nhựa, cúc kim loại… Nhiều dự án dệt nhuộm đã áp dụng công nghệ nhuộm không cần nước, giảm hẳn lượng nước thải có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Dù thu hút đầu tư nước ngoài luôn được coi là điểm sáng trong bức tranh kinh tế nhiều năm qua nhưng Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm để duy trì và xa hơn là tăng cường tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư - những người có quyền quyết định cuối cùng là bỏ vốn vào đâu, bao nhiêu và khi nào.