Nói khơi gợi vì sau một thời gian rầm rộ, chương trình trở nên yên ắng và nay được nhắc lại… Hy vọng lần trở lại này, chương trình vi mạch sẽ tiến xa hơn.
Cơ hội quý
Theo “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030” được UBND TPHCM phê duyệt thì phát triển công nghiệp vi mạch điện tử TPHCM trở thành một ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, làm nền cho sự phát triển chung và thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng đô thị thông minh, góp phần triển khai thành công các chương trình đột phá của TP nhằm giải quyết cơ bản ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường và hạ tầng các lĩnh vực trọng tâm: Giao thông, thủy lợi, chống ngập nước và ứng phó, thích nghi với biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục - đào tạo… Từ đó củng cố vị thế của TPHCM là mũi nhọn phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước; thu hút được các tập đoàn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài (FDI) có công nghệ nguồn về lĩnh vực vi mạch, điện - điện tử đầu tư và hoạt động tại Việt Nam; ươm tạo được khoảng 10 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử.
Tại diễn đàn nói trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu: “Diễn dàn này là cơ hội quý giá cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về công nghiệp liên quan tới vi mạch bán dẫn và cảm biến, các nhà hoạch định chính sách cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Thông qua diễn đàn này, TPHCM khẳng định tiềm năng to lớn, cơ hội phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và bán dẫn, đặc biệt trong thời điểm TP tập trung mọi nguồn lực để trở thành một TP có chất lượng sống tốt, TP của kinh tế tri thức dựa trên sự phát triển của công nghệ tiên tiến hiện đại”.
Diễn đàn cũng là nơi các nhà đầu tư tạo ra cơ hội để cùng hợp tác đầu tư sản xuất tại Việt Nam; hướng đến xây dựng và phát triển hệ sinh thái công nghiệp MEMS/Sensor cho TP bao gồm từ nghiên cứu đến đào tạo, ươm tạo, chuyển giao công nghệ và sản xuất. Đây là cơ sở để phát triển bền vững cho lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở trình độ tiên tiến, tạo điều kiện cho việc làm chủ công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu… Những mục tiêu đó đã được Tiến sĩ Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao giới thiệu về “Chính sách thu hút đầu tư và hệ sinh thái MEMS/Sensor tại TPHCM”.
Ở đây MEMS/Sensor và “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM” cùng đồng hành và phát triển tương hỗ cũng là một mục tiêu của TPHCM.
Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi
Trong diễn đàn này, “Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến 2030” cũng đã được Giám đốc Sở TT-TT Dương Anh Đức giới thiệu lại một cách căn bản nhất. Theo đó, chương trình vi mạch gồm 6 mục tiêu chính: Xây dựng nền tảng cơ bản cho ngành công nghiệp vi mạch - bán dẫn TPHCM theo hướng lấy dịch vụ, công nghệ thiết kế làm trọng tâm, bao gồm các khâu đào tạo, thiết kế và gia công thiết kế, chế tạo thử nghiệm; thu hút nguồn nhân lực cao cấp trong và ngoài nước; từng bước tiếp cận, làm chủ một số công nghệ mới và tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đặc biệt các lĩnh vực liên quan đến xây dựng đô thị thông minh; xây dựng mạng lưới giữa cộng đồng nghiên cứu, phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn trong và ngoài nước; thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để tiếp thu, chuyển giao các kỹ thuật mới trong lĩnh vực vi mạch; hình thành hệ sinh thái phục vụ phát triển ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo vi mạch, cũng như ứng dụng vi mạch Việt của TPHCM…
Chương trình công nghiệp vi mạch TPHCM cũng thực hiện 7 đề án - dự án như: Đề án đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực vi mạch; dề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và thiết bị, giải pháp dùng vi mạch Việt; chương trình phát triển ngành công nghiệp MEMS; dự án xây dựng phòng thí nghiệm và sản xuất thử nghiệm (LAB to FAB); đề án Phát triển thị trường vi mạch điện tử; nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM; chương trình nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng chip Việt; nghiên cứu dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; vận hành và khai thác hiệu quả Nhà thiết kế (Design House).
Như thế, về các đề án - dự án thực hiện, không khác gì so với trước đây, có chăng là chương trình vi mạch đã được gắn liền với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, tức có mục tiêu rõ ràng hơn trước đây.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Thành phố cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi; kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và cảm biến thông qua hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thiết kế, sản xuất, chế tạo, đóng gói, kiểm định và thương mại hóa linh kiện vi cơ điện tử. Trong đó tập trung ưu tiên phát triển sản phẩm ứng dụng cảm biến trong các lĩnh vực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân TP…”.
Hơn nữa, trong cuộc làm việc với Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Tất Thành Cang, Sở TT-TT TPHCM cũng cho biết: “Chính phủ chính thức đồng ý để TPHCM chủ trì việc nâng cấp chương trình vi mạch của thành phố lên cấp quốc gia”… thì kỳ vọng lần trở lại này, chương trình vi mạch sẽ tiến xa hơn.
Theo báo cáo của ông Dương Anh Đức tại diễn đàn, giai đoạn 2012 - 2017, TPHCM đã cấp kinh phí cho 18 đề tài, dự án nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm với kinh phí trên 68 tỷ đồng (11 đề tài, dự án đã nghiệm thu giai đoạn và 7 đề tài, dự án đang triển khai). Đã tạo ra được chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG-8V1 là sản phẩm chip vi xử lý đầu tiên của Việt Nam được chính thức đưa ra thương mại có khả năng cạnh tranh về giá lẫn tính năng và hàng loạt sản phẩm ứng dụng chip thương mại SG8V1 như: Điện kế điện tử 1 pha SEM1-MD; Modem thu thập dữ liệu DCM; Điện kế điện tử 3 pha SEM3-MC; Thiết bị đọc dữ liệu điện kế HHU…