Đây là tâm sự của Phạm Hùng (học sinh lớp 12A3, Trường THPT Nguyễn Du, huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) khi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học với chủ đề “Lan tỏa và thay đổi nhận thức việc hiến tặng mô tạng ở học sinh THPT”.
Trăn trở
Tình cờ, một buổi tối cách đây 1 năm, cậu học trò Phạm Hùng ngồi xem tivi cùng bạn mình là Đinh Hữu Thiên Phúc, học sinh lớp 11 cùng trường đúng lúc tivi phát phóng sự về việc bé Hải An (7 tuổi, Hà Nội) hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đem lại ánh sáng cho hai người khác. Sau khi bàn bạc với Phúc, Hùng lên mạng tìm kiếm thông tin về hiến tạng. Với từ khóa “nghĩa cử cao đẹp về việc hiến tặng mô tạng”, hai em đã tìm thấy nhiều câu chuyện xúc động.
“Những câu chuyện hiến tạng cứu được 6 người của thiếu tá Lê Hải Ninh hay của mẹ Ngần (người hiến tạng con trai cứu sống 5 người khác) ở Hà Nội khiến chúng em suy nghĩ rất nhiều”, Hùng kể. Đặc biệt, câu chuyện của 3 chị em mồ côi Nguyễn Thị Sáng, Nguyễn Thị Lương và Nguyễn Ngọc Thùy (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) không ngần ngại hiến tặng một số bộ phận cơ thể của mẹ mình sau khi qua đời để cứu người khác gây xúc động mạnh đến 2 cậu học sinh.
Tuy nhiên, khi mang những câu chuyện này hỏi bạn học của mình, Hùng và Phúc thất vọng khi không có nhiều bạn biết đến chuyện hiến tạng. Từ đó, hai học sinh nảy sinh ý tưởng thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học chủ đề “Lan tỏa và thay đổi nhận thức việc hiến tặng mô tạng ở học sinh THPT” nhằm gửi đến các bạn cùng trang lứa thông điệp nhân văn của việc làm ý nghĩa này. Với sự hướng dẫn của cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên môn công nghệ của trường, hai em đã tiếp xúc với nhiều học sinh của 3 ngôi trường THPT trên địa bàn để khảo sát suy nghĩ của các bạn về việc hiến tạng, đồng thời mở nhiều buổi sinh hoạt, thực hiện một số video tuyên truyền về nghĩa cử cao đẹp này tại các trường.
“Khi lần đầu được hỏi nếu bản thân gặp bất trắc thì có đồng ý hiến tạng không, rất ít người đồng ý. Tuy nhiên sau một năm, tụi em quay lại cũng với câu hỏi trên thì rất nhiều bạn đã khá thoải mái đồng ý về việc sẽ hiến tạng nếu không may qua đời”, Phúc chia sẻ về kết quả của việc thực hiện đề tài nghiên cứu.
Hạt mầm nhân văn
Phạm Hùng cho rằng, có lẽ thành công lớn nhất của đề tài là nhiều người, trong đó có cả thầy cô, học sinh và một số phụ huynh bắt đầu thay đổi nhận thức về chuyện hiến tạng cứu người. Và dường như những “hạt mầm nhân văn” đã nảy mầm. Từ đề tài nghiên cứu của 2 học sinh, 20 thầy cô giáo cùng 2 phụ huynh của Trường THPT Nguyễn Du đã đăng ký hiến tạng cứu người.
Có mặt tại buổi trao thẻ đăng ký hiến tạng và nói chuyện về chủ đề này tại Trường THPT Nguyễn Du mới đây, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (BV Chợ Rẫy TPHCM) xúc động nói: “Đây là lần đầu tôi tham gia hoạt động như thế này tại trường học. Điều tôi quan tâm không phải là có bao nhiêu đơn đăng ký tham gia hiến tặng mô tạng, hay có bao nhiêu học sinh sau buổi nói chuyện đăng ký hiến mà chính là gieo được mầm thiện trong tâm hồn các em. Chúng tôi từng nghĩ rằng phải trong tương lai rất dài mới có thể thực hiện được việc thay đổi nhận thức của học sinh về vấn đề hiến tạng, nhưng không ngờ, bây giờ các em đã quan tâm đến việc này”.
Lan tỏa phong trào “cho đi là còn mãi”, thầy Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du cho biết, gần một năm nay, nhà trường đã tổ chức các cuộc thi kể chuyện, hùng biện, kịch hóa những nhân vật điển hình, lan tỏa trong cộng đồng mạng qua các video, kênh YouTube với nhan đề “Nghĩa cử cao đẹp của thiếu tá Lê Hải Ninh và gia đình”, “Lan tỏa việc hiến tặng mô tạng”... đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ các thầy cô, học sinh. Từ đó, có không ít thầy cô của trường đã đặt bút tình nguyện đăng ký hiến tặng mô, tạng của mình sau khi qua đời. Vui hơn là không ít học sinh đã có nhận thức đúng đắn về việc hiến tạng.
Theo TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, ở các nước phát triển, trẻ em dưới 18 tuổi được phép hiến tạng. Tuy nhiên ở Việt Nam, luật vẫn chưa cho phép điều đó, chỉ chấp nhận khi người hiến tạng từ 18 tuổi trở lên. “Thông qua các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, em đã bắt đầu suy nghĩ đến việc hiến tạng và nhận thấy nó vô cùng ý nghĩa khi biết bao cuộc đời sẽ được hồi sinh. Em thích câu nói “Hãy sống như ngày cuối cùng chúng ta được sống và yêu như ngày cuối cùng chúng ta được yêu”. Bản thân em cũng đã chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng đăng ký hiến tạng khi bước qua tuổi 18. Còn điều gì ý nghĩa hơn khi sự sống của mình không dừng lại mà nó sẽ được nối dài bởi các cuộc đời khác”, em Nguyễn Quang Duy, học sinh lớp 12A3 chia sẻ.