Đêm 4 và rạng sáng 5-1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cùng Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa xã hội - HĐND TPHCM có buổi làm việc tại Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn về việc chuẩn bị nguồn hàng Tết Nguyên đán 2024.
Tăng 8% lượng hàng
Trao đổi với đoàn, ông Lê Văn Tiển, Giám đốc Chợ đầu mối cho biết, thời điểm trước tết 1 tháng, chợ sẽ tăng lượng hàng khoảng 8% so với năm 2023, tương ứng 2.500 tấn/ngày đêm. Ở thời điểm từ ngày 4 đến 9-2 (25-30 tháng Chạp), lượng hàng tăng khoảng 10%, có ngày tăng tới 50% so với bình thường. Riêng mặt hàng thịt heo, ngày 8-2 (29 tháng Chạp), lượng hàng “đổ” về dự kiến tăng 100% so với bình thường, ở mức 780 tấn/ngày đêm.
Ghi nhận từ các tiểu thương, sức mua hiện tại khá chậm, nhưng bà con vẫn kỳ vọng mãi lực khởi sắc vào cao điểm trước Tết Nguyên đán 1-2 tuần. Đáng chú ý, một số mặt hàng có giá bán thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, như củ kiệu từ 50.000-60.000 đồng/kg, giảm 7,7%; giá heo hơi loại 1 khoảng 56.000 đồng/kg, giảm 22% (năm trước 72.000 đồng/kg)…
Nhằm đảm bảo các mặt hàng, nhất là trái cây, rau củ quả không bị “đứt gãy” vào dịp giáp tết, ông Lê Văn Tiển thông tin, các thương nhân có kế hoạch dự trữ hàng hóa tại các kho lạnh xung quanh chợ đầu mối, từ 1.000-15.00 tấn. Nguồn hàng này sẽ được luân chuyển, bổ sung mới thường xuyên.
Trong năm vừa qua, chợ đã phối hợp Đội 9 (Sở An toàn thực phẩm TPHCM) kiểm tra 489 mẫu đối với thịt heo, rau quả, trái cây, tăng 285 mẫu so với năm 2022. Kết quả cho thấy các mẫu kiểm tra đều đảm bảo tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, chợ cũng tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm và các quy định về truy xuất nguồn gốc thực phẩm với 152 người tham dự; khám sức khỏe cho 896 thương nhân; hỗ trợ thương nhân ký lại 114 bản cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn đã hết hạn.
Tính đến thời điểm này, chưa có trường hợp bị ngộ độc thực phẩm nào xảy ra có nguồn gốc xuất xứ từ Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn.
Nhanh chóng dẹp chợ tự phát
Phản ánh từ chợ, có khoảng 170 điểm kinh doanh tự phát hoạt động nhộn nhịp, thuộc các tuyến đường xung quanh chợ, kéo dài hết đường Nguyễn Thị Sóc, một phần quốc lộ 22.
“Gần như hình thành chợ đầu mối bên ngoài chợ đầu mối Hóc Môn. Khối lượng hàng hóa kinh doanh quy mô lớn từ rau củ, trái cây đến thịt heo các loại, khiến mãi lực kinh doanh trong chợ sụt giảm”, ông Lê Văn Tiển bức xúc.
Trước đó, UBND huyện Hóc môn đã thành lập tổ liên ngành kiểm tra, xử lý nhanh các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự phát nói trên nhưng chưa hiệu quả. Ông Lê Văn Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn chỉ ra rằng, các điểm kinh doanh tự phát không đóng bất cứ khoản chi phí, thuế nào, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ách tắc giao thông, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố…
Chưa kể, các khu vực này còn xả ra từ 6 đến 7 tấn rác thải/ngày, khiến môi trường ô nhiễm, mất vệ sinh và chợ đầu mối Hóc Môn phải tìm cách dọn dẹp. Bức xúc này kéo dài suốt thời gian qua, nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. “Liệu có hay không tình trạng bao che, dung túng cho sai phạm?”, ông Lê Văn Mỵ đặt nghi vấn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của ban quản lý chợ cũng như đội ngũ thương nhân trong việc sàng lọc, đảm bảo nguồn hàng an toàn, cung ứng cho thị trường.
Tuy vậy, đồng chí Nguyễn Văn Dũng cũng lưu ý đến việc giám sát chặt chẽ đường đi của hàng hóa, truy xuất nguồn gốc thực phẩm; giúp người tiêu dùng yên tâm mua hàng hóa, đón tết an vui.
"Thành phố này mất an toàn thực phẩm chỗ nào thì Sở An toàn thực phẩm phải chịu trách nhiệm chỗ đó", đồng chí Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
Còn về những bất cập, bức xúc của lãnh đạo chợ đầu mối Hóc Môn, đồng chí Nguyễn Văn Dũng yêu cầu các lực lượng liên ngành (công an, quản lý thị trường,…) làm hết trách nhiệm, tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý chợ tự phát “ôm” chợ đầu mối.