Hàng hóa ít
Sau 3 đêm đi vào hoạt động, chợ đầu mối Hóc Môn đang đứng trước nguy cơ đóng cửa trở lại do thương nhân dần rút lui vì không bán được hàng. Khoảng 0 giờ ngày 23-9, phóng viên Báo SGGP xuất trình giấy tờ và qua các bước kiểm tra y tế nghiêm ngặt mới được bước vào chợ. Bên trong chợ, khác với cảnh náo nhiệt thường lệ, không một bóng thương nhân lẫn xe cộ qua lại, chỉ duy nhất một container đang đặt cạnh trạm điện để giữ lạnh cho hàng bên trong.
“Chiếc container này khoảng 30 tấn của một thương nhân nhập về 2 ngày nay nhưng do chưa bán được hàng nên đặt tạm, chợ cho dùng điện miễn phí”, anh Phong, trực đêm bảo vệ tại đây cho biết.
Đêm đầu tiên mở điểm trung chuyển, chợ nhập khoảng 132 tấn hàng hóa các loại, đêm thứ 2 giảm mạnh còn 5 tấn và đêm thứ 3 không có tấn hàng nào nhập chợ. Trong 3 ngày qua, chợ chỉ xuất bán khoảng 40 tấn hàng, số còn lại đang nằm tại các vựa ở chợ.
“Nhiều quy định khắt khe khi vào, ra nhận hàng tại chợ như phải đăng ký số xe trước 12 giờ, xém nghiệm âm tính và qua các bước kiểm tra y tế nghiêm ngặt đã khiến nhiều chủ hàng không đáp ứng được. Chưa kể, quanh các con đường gần chợ, xe tải vẫn đổ hàng về bán tràn lan, không cần qua kiểm soát y tế, đã phần nào khiến chúng tôi không thể bán được hàng”, anh Hoàng Văn Tý, thương nhân có 2 ô vựa tại đây cho biết.
Tương tự, tại chợ đầu mối Thủ Đức, ngày đầu mở điểm trung chuyển với kế hoạch sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 1.500 tấn rau củ quả các loại, đã không thể thực hiện. Sau đó, Sở Công thương TPHCM và TP Thủ Đức cùng BQL chợ họp bàn điều chỉnh kế hoạch, phương án, nhưng những ngày qua chợ chỉ cung ứng 50 - 60 tấn hàng/đêm.
“Nhiều tiểu thương muốn đăng ký bán trở lại nhưng do quy định chặt chẽ về phòng dịch nên vẫn e dè. Ngoài ra, những con đường quanh chợ vẫn mua bán tấp nập khiến hàng hóa của thương nhân trong chợ khó cạnh tranh”, ông Nguyễn Nhu, Phó Giám đốc Công ty Quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, cho biết.
2 giờ sáng cùng ngày, lối dẫn vào chợ đầu mối Bình Điền khá náo nhiệt với cảnh mua bán bát nháo. Những đống hàng chất cao gói 10kg xếp bên lề đường được nhiều thanh thanh niên tranh nhau vác lên xe tải chở đi công khai. Trong khi, từ cổng vào bên trong chợ Bình Điền chỉ lác đác vài chiếc xe tải nhỏ, hàng hóa khá khiêm tốn.
Theo kế hoạch, mỗi đêm chợ này sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 200 tấn hàng hóa thủy hải sản, rau củ quả các loại. Tuy nhiên, sau 3 tuần đi vào hoạt động, mỗi đêm chợ chỉ đạt công suất bình quân 80 - 90 tấn, trong đó thủy hải sản chiếm 2/3.
Tăng cường xử lý chợ tự phát
Trên thực tế, lâu nay 3 chợ đầu mối của TPHCM thực hiện nhiệm vụ chính là nhập/xuất hàng cho hệ thống hơn 200 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố. Các mối mua hàng tại đây và về bán lẻ ở chợ tự phát, cửa hàng tạp hóa. Đến thời điểm này khi hầu hết các loại hình kinh doanh trên vẫn chưa thể hoạt động lại đã khiến cho hoạt động mua bán ở chợ đầu mối khó đạt như kỳ vọng.
Trung tâm thương mại, siêu thị lớn hầu hết nhập hàng trực tiếp từ nông trại, điểm cung ứng ở khu vực, trung tâm nuôi trồng, gần như không mua từ thương nhân chợ đầu mối. Tuy nhiên, phải khẳng định, việc thành phố cho mở thêm điểm trung chuyển tại các chợ đầu mối là cần thiết nhằm giảm tải cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi cũng như gia tăng, đa dạng nguồn cung từ đó giảm giá thành sản phẩm, nâng chất lượng hàng hóa.
Để chợ đầu mối, trước mắt là các điểm trung chuyển hoạt động hiệu quả, đại diện một số chợ cho rằng, cơ quan chức năng nên giảm, miễn các loại phí như ngày thường; UBND các quận, huyện có chợ trú đóng xử lý rốt ráo điểm mua bán tự phát ngoài khu vực chợ. Đơn cử, tại chợ đầu mối Hóc Môn có các tuyến Nguyễn Thị Sóc, Lê Thị Hà, QL 22 và đường Tô Ký, QL 22 (địa bàn quận 12) tập trung rất nhiều người buôn bán.
“Họ cạnh tranh không lành mạnh với thương nhân tham gia điểm tập kết hàng. Họ không phải test định kỳ, thoải mái mua bán, trả giá, xem hàng, không bị kiểm soát trong quá trình vận chuyển”, một đại diện chợ đầu mối Hóc Môn cho biết. Về lâu dài, theo thương nhân các chợ đầu mối, cần xem xét mở lại chợ truyền thống ở những khu vực vùng xanh, người dân có thể đi chợ tuần/lần. Đây là cơ sở quan trọng, là đầu ra cho hoạt động mua bán ở các chợ đầu mối.