Là một trong ba chợ đầu mối của TPHCM, chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (chợ Bình Điền) hoạt động theo mô hình giao dịch, mua bán hàng hóa số lượng lớn với sản lượng giao dịch khoảng 2.500 tấn/đêm và giá trị giao dịch đạt 150 tỷ đồng/đêm.
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, chợ Bình Điền hiện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa khi cung ứng đến 70% lượng thủy sản cho thị trường TPHCM; đồng thời có tiềm năng trở thành trung tâm giao dịch hàng hóa kết nối liên vùng, hình thành điểm đến tham quan, mua sắm, các sản phẩm kinh tế đêm… Tuy nhiên, do được đưa vào hoạt động từ năm 2006, mô hình hoạt động của chợ đầu mối chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, chợ chủ yếu tận dụng mặt bằng và các dịch vụ hỗ trợ cho người mua và người bán; giao dịch hàng hóa tại các chợ đầu mối được thực hiện theo phương thức trực tiếp; hệ thống hạ tầng và công nghệ còn nhiều hạn chế nhất định.
Để đáp ứng xu thế mới, ông Phan Thành Tân, Giám đốc Công ty Chợ Bình Điền, cho biết, thời gian qua đơn vị đã vận động thương nhân và đối tác ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng vòng nhận diện; phần mềm quản lý tài chính - kế toán; quản lý nhân sự - tiền lương; quản lý khách hàng, nhà cung cấp; hệ thống kiểm soát ra vào chợ… Đặc biệt, hướng tới xu hướng xanh, đơn vị đã đặt mục tiêu xây dựng chợ Bình Điền trở thành chợ đầu mối đảm bảo an toàn thực phẩm của thành phố, đồng thời là điểm đến tham quan hấp dẫn cho du khách. Để thực hiện, theo ông Phan Thành Tân, Ban Giám đốc chợ Bình Điền đang phối hợp với các sở, ngành xây dựng bộ tiêu chí về chất lượng cho sản phẩm kinh doanh tại chợ; tham gia các đề án, dự án của thành phố như Đề án quản lý và nhận diện thịt heo, trứng và gia cầm, chuỗi thực phẩm an toàn; Đề án phân loại rác tại nguồn…; phối hợp với Sở Công thương TPHCM làm việc với các cơ sở nuôi trồng, cơ sở thu gom của các tỉnh để phổ biến các quy định về chất lượng hàng hóa an toàn trước khi nhập về chợ. Đối với công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ, đơn vị thực hiện bố trí, sắp xếp các khu vực kinh doanh thuận lợi, nhóm hàng riêng biệt để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm. Xây dựng đường nội bộ, nâng cấp nền chợ bằng vật liệu kiên cố như xi măng, gạch men… đảm bảo bằng phẳng, dễ vệ sinh, không ứ đọng nước. Hệ thống mái che và thông gió phải đảm bảo che mưa, che nắng. Đơn vị cũng vận động tiểu thương kinh doanh tại khu vực nhà lồng đầu tư đầy đủ các trang thiết bị, bảo hộ lao động (như khẩu trang, găng tay, tạp dề, nón…); sử dụng chất tẩy rửa và chất diệt khuẩn an toàn phục vụ cho hoạt động kinh doanh, sơ chế thực phẩm; trang thiết bị phải phù hợp với ngành nghề hoạt động; thực hiện niêm yết giá và bán hàng theo giá đã niêm yết; lưu trữ đầy đủ các hồ sơ, chứng từ truy xuất nguồn gốc, chất lượng thực phẩm, sổ ghi chép theo quy định. “Tiêu chí được chúng tôi đưa ra cho tiểu thương là hàng hóa kinh doanh tại chợ đảm bảo 100% có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm truy xuất được nguồn gốc. Có sổ sách ghi chép, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin liên quan đến việc mua bán hàng hóa; bảo đảm truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, dụng cụ… Công tác lưu trữ, ghi chép nguồn gốc phải thực hiện đúng quy định. Các thông tin cần thiết gồm: tên, địa chỉ của người cung cấp; tên loại hàng hóa cung cấp; ngày giao hàng; số lượng, khối lượng hàng hóa được cung cấp. Riêng với người tiêu dùng sẽ được hướng dẫn việc lựa chọn, sử dụng và bảo quản thực phẩm an toàn thông qua hình thức tuyên truyền băng rôn, loa phát thanh, bản tin nhà lồng…”, ông Phan Thành Tân nói.
Ngoài ra, hướng tới mô hình khu mua sắm du lịch hấp dẫn của khu vực, hiện chợ Bình Điền đang nghiên cứu để cung cấp những ngành dịch vụ, sản phẩm phù hợp; đồng thời xây dựng nhà hàng để phục vụ chế biến tại chỗ hoặc cho nhu cầu mang về của du khách. Chuẩn bị cho kế hoạch này, SATRA và chợ Bình Điền đã tham quan, tìm hiểu nhiều mô hình chợ của các nước tiên tiến. Gần đây, chợ hải sản nổi tiếng Toyoshi (Nhật Bản) đã được SATRA nghiên cứu, học tập cách vận hành.
Nằm trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, ở phía Tây Nam TPHCM, chợ Bình Điền hiện được xem là chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích 65ha, khai thác giai đoạn 1 khoảng 34ha. Chợ gồm 7 nhà lồng và 2 nhà kho, bãi đậu xe và các công trình phụ, kinh doanh các mặt hàng như hoa tươi, rau củ quả, thủy hải sản, trái cây; trong đó thủy hải sản là ngành hàng chủ đạo và chiếm 70% thị phần thủy hải sản cung cấp cho TPHCM.