Chờ cuộc chuyển mình của phim Việt

Phim tư nhân tiếp tục áp đảo thị trường và thắng thế, dòng phim nhà nước đã trở lại, đó là tín hiệu lạc quan của phim truyền hình 2 miền, phim Việt đã sẵn sàng cho một cuộc chuyển mình lớn trong năm 2020.
Bí mật của gió, một câu chuyện đầy chất thơ và đời
Bí mật của gió, một câu chuyện đầy chất thơ và đời

Củng cố niềm tin

Sự bùng nổ và thắng thế vang dội về doanh thu của điện ảnh Việt với những: Cua lại vợ bầu, Hai Phượng, Trạng Quỳnh, Lật mặt: Nhà có khách… trong giai đoạn đầu năm 2019 đã tạo nên cú hích tích cực cho thị trường. Dù sau đó, mất khoảng nửa năm phim Việt chạm đáy khi liên tiếp thua lỗ, chất lượng không ổn định, nhưng những: Thất sơn tâm linh, Bắc kim thang, Pháp sư mù: Ai chết giơ tay… với doanh thu tốt đã lấy lại sinh khí. Tổng quan thị trường điện ảnh Việt 2019 chắc chắn sẽ có những bước tiến dài về doanh thu, vượt xa con số 3.253 tỷ đồng (trong đó phim Việt đạt 750 tỷ đồng) của năm 2018. 

Kỳ vọng vào sự chuyển mình của điện ảnh Việt trong năm 2020 hoàn toàn có cơ sở. Phát pháo đầu tiên vào thời điểm tháng 2-2020 sẽ là Gái già lắm chiêu 3 - series đang rất thành công và ăn khách của bộ đôi Bảo Nhân - Namcito. Bên cạnh đó, thừa thắng xông lên sau thành công của Hai Phượng, dự án Thanh Sói cũng vừa trải qua quá trình tuyển chọn diễn viên.  

Trong các series dài hơi của phim Việt, có doanh thu cao và ổn định phải kể đến Lật mặt. Phần 5 phim này dự kiến ra mắt vào dịp lễ 30-4 và 1-5-2020. Thành công ở phần 4 với doanh thu 117,5 tỷ đồng, đạo diễn Lý Hải đặt niềm tin: “Thị trường điện ảnh Việt đang phát triển nhanh và khán giả sẵn sàng dang rộng vòng tay, chào đón những sản phẩm chất lượng tốt. Phim Việt cùng những ưu thế sân nhà hoàn toàn có thể cạnh tranh trực tiếp với những bom tấn Hollywood”. Một số dự án cũng đang trong quá trình sản xuất và nhận được nhiều kỳ vọng, phải kể đến: Bí mật của gió, Cậu vàng, Maika: Cô bé từ trên trời rơi xuống, Chiến dịch chống ế, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Thành phố ngủ gật…  

Phim truyền hình Việt trong năm 2019, cán cân đã dần có sự điều tiết cân bằng hơn giữa 2 thị trường Nam - Bắc. Sau những cơn sốt của: Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử, Quỳnh búp bê… đều do Hãng phim Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) sản xuất, năm qua các đơn vị phía Nam cũng đã có sự trở lại ấn tượng. Nếu màn ảnh nhỏ phía Bắc chứng kiến “siêu phẩm” Về nhà đi con, các nhà làm phim phía Nam cũng có Tiếng sét trong mưa, lập kỷ lục rating (lượng theo dõi) có tập lên đến 26.0. Các phim do VFC sản xuất vẫn có chất lượng đồng đều như: Bán chồng, Hoa hồng trên ngực trái, Sinh tử, Nàng dâu order… thì phim phía Nam cũng có: Đánh cắp giấc mơ, series Xin chào hạnh phúc…  

Đặc biệt, trong năm qua, Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM (TFS) cũng đã có dấu hiệu trở lại với khung giờ quen thuộc 22 giờ trên HTV9 với hàng loạt bộ phim: Mùa cúc susi, Rừng thiêng, Đảo khát, Những chuyên án lạ, Sóng ngầm, Sóng mồ côi… Ông Lý Quang Trung, Giám đốc TFS bày tỏ, dù còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt về khung giờ phát sóng nhưng đội ngũ TFS ngày càng được trẻ hóa để hướng tới những bộ phim có chất lượng cao hơn, không chỉ phục vụ mục đích tuyên truyền mà còn có nội dung giải trí.

Thành phố ngủ gật, bộ phim nghệ thuật có kinh phí sản xuất thấp


Lượng đổi, chất đổi

Ở lĩnh vực điện ảnh, trong năm 2019 có khoảng hơn 40 phim ra rạp. Con số này trong năm 2020 chắc chắn sẽ còn tăng. Sự gia tăng về lượng tất yếu kéo theo sự thay đổi về chất. Đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn nhận định: “Các thảm họa điện ảnh gần như không còn đất dụng võ”. Trong khi đó, theo đạo diễn Nhất Trung: “Mọi người làm phim tốt hơn không chỉ để cạnh tranh với nhau mà để cứu chính chúng ta. Nếu không làm phim tốt mà cứ làm phim nhảm, phim thảm họa, khán giả sẽ mất lòng tin. Không chỉ những người đi trước phải chịu thiệt hại mà những người đi sau sẽ bị ảnh hưởng”.  

Một trong những thay đổi tích cực nhất có thể nhận thấy, đó là các khâu về kỹ thuật, kỹ xảo làm phim. Đạo diễn Đức Thịnh nhận định, các khâu về kỹ thuật của điện ảnh Việt đã có những bước tiến dài. Nhiều nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh lâu năm cũng nhận định, hiệu quả hình ảnh trong nhiều phim Việt không hề thua kém phim nước ngoài. Những Tấm Cám chuyện chưa kể, 11 niềm hy vọng, Trạng Quỳnh hay gần đây nhất là Pháp sư mù: Ai chết giơ tay, cho thấy phần kỹ xảo của điện ảnh Việt có nhiều bước tiến đáng khen ngợi. Nhưng, điều đáng mừng hơn đối với phim Việt, đó chính là niềm tin nơi khán giả. Theo đạo diễn Lý Minh Thắng, đã qua rồi cái thời khi nhắc đến phim Việt, khán giả sẽ phải thở dài. Sau cơn bão gameshow, truyền hình thực tế, phim truyền hình vẫn là món ăn được khán giả ưa chuộng. Không chỉ nhu cầu, thị hiếu mà gu thưởng thức, trình độ thẩm mỹ của khán giả đang tăng lên từng ngày. Nhiều đạo diễn khẳng định, làm phim giờ không thể phụ thuộc vào may mắn để có doanh thu.  

Sự phát triển của thị trường cũng được phản ảnh qua bức tranh của cuộc đua hệ thống rạp chiếu không có dấu hiệu hạ nhiệt khi các đơn vị có cụm rạp vẫn đang gia tăng số lượng. CGV vẫn tiên phong trên thị trường với 80 cụm rạp (tính đến tháng 10-2019) tại 28 tỉnh thành. Theo sau đó là Lotte Cinema. Các cụm rạp của Việt Nam: BHD, Galaxy, Cinestar, Beta… cũng đang gia tăng nhanh chóng thị phần. Ngoài các tỉnh thành lớn, cuộc đua rạp chiếu cũng mở rộng đến các tỉnh thành xa xôi, từ khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên cho đến các tỉnh thuộc ĐBSCL. Rõ ràng, trong cuộc đua này, khán giả là người hưởng lợi nhiều nhất, khoảng cách trong việc tiếp cận, trải nghiệm điện ảnh chất lượng cao giữa các khu vực trên cả nước được thu ngắn. 

Ở lĩnh vực truyền hình, các khung giờ phim cũng dần mở rộng để đáp ứng nhu cầu của khán giả, đặc biệt khi gameshow, truyền hình thực tế trong giai đoạn bão hòa. Bằng chứng là VTV đã đi tiên phong với khung giờ phim truyện mới là 9 giờ sáng trên VTV3. Nhiều đài truyền hình cũng đang có sự chuẩn bị để tăng thêm thời lượng phát sóng cho phim truyền hình. Nhưng, điều đáng mừng hơn cả, đó chính là tâm thế của các nhà làm phim. Sự hồi sinh của phim truyền hình không chỉ khiến họ thêm phấn chấn, mà còn là sự tự ý thức để làm những tác phẩm chất lượng mới hy vọng níu chân khán giả.  

Đạo diễn Lý Minh Thắng có một đúc kết khá thấm thía: Có ngôi sao phim sẽ dễ dàng đến gần với khán giả hơn, nhưng yếu tố tiên quyết vẫn là sản phẩm chất lượng cả về nội dung và hình thức. Khán giả hơn bao giờ hết chờ đợi cuộc chuyển mình mạnh mẽ như thế của phim Việt.

Tin cùng chuyên mục