Lời đề nghị của con gái năm nay lên lớp 4 khiến chị Nguyễn Thị Thảo (39 tuổi, quận Thủ Đức) ngạc nhiên. Chị chưa nghĩ đến việc sẽ cho con xài tiền ở tuổi này.
Khi con xin tiền
Ngay từ khi bắt đầu đi học cho đến giờ, bé Phúc luôn được chị Thảo chuẩn bị đầy đủ sữa, nước và một ít bánh kẹo mang theo. Chị chưa bao giờ phải cho tiền con tiêu vặt vì bé học bán trú, ăn uống đã có nhà trường lo. Chị càng không muốn con có tiền rồi mua đồ ăn vặt không rõ nguồn gốc, kém chất lượng trước cổng trường.
Do đó, khi nghe con đề nghị, chị trả lời luôn: “Con còn nhỏ xài tiền làm gì? Thôi, mẹ không cho nha”. Tưởng vậy là xong, sáng hôm sau, khi chở con đi học, bé Phúc đứng tần ngần trước cổng trường rồi nhắc lại với chị: “Bạn con ai cũng có tiền đi căn tin, ăn cái này uống cái kia. Con không có…”.
Khi con nhắc lại lần thứ hai, ra chiều nài nỉ, chị Thảo vẫn kiên quyết và cố gắng giải thích: “Không được đâu con. Con muốn ăn bánh gì thì lần sau mẹ sẽ mua bỏ vào ba lô cho nghe. Mẹ không cho con tiền được vì con còn nhỏ, chưa cần thiết nè”.
Nói qua nói lại một hồi, “đàm phán” không thành công, bé Phúc khóc. Vừa khó xử, vừa không đành lòng để con khóc lóc vào lớp, thiếu tự tin với bạn bè, chị Thảo đưa cho bé 30.000 đồng. Từ hôm đó, chị có nhiều suy nghĩ trong việc có nên cho con tiền quà vặt mỗi khi đi học hay không.
Chị chia sẻ: “Dường như là tôi khá căng thẳng với việc cho tiền con tiêu vặt. Có thể con đã rơi vào cảm giác thua thiệt hoặc bị lạc lõng vì không có khả năng mua gì hoặc không thể chia sẻ, “bao” bạn bè? Nhiều bé thường có cảm giác “bạn bè không thích lắm” vì toàn cầm đồ ăn tới lớp do không được ba mẹ cho tiền… Tôi cũng phân vân không biết phải làm sao. Cho không ổn, mà không cho cũng không ổn. Nếu cho con tiền, con sẽ mua những món đồ mà mình không yên tâm. Xài tiền ở tuổi này, thật sự đáng lo ngại, xung quanh tụi nhỏ rất nhiều mối nguy rình rập”.
Năm nay lên lớp 5, bé Quách Vũ Khánh Huy (10 tuổi, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Gò Vấp) cũng chưa được mẹ là chị Kim Khánh (38 tuổi) cho tiền tiêu vặt. Tuy nhiên, chị Khánh và chồng có sắm heo đất cho con “nuôi” tiết kiệm, tiền lì xì hoặc ông bà cho đều bỏ vào đó. Đi học, vợ chồng chị Khánh không cho con xài điện thoại nhưng ở nhà vẫn cho chơi game. Có bữa, bé Huy năn nỉ mẹ xin “mổ heo” để mua tai nghe điện thoại, chị Khánh từ chối ngay.
“Bé nhà mình thường không xin tiền, vì ăn uống, mua gì đều có ba mẹ lo hết rồi. Thậm chí đến giờ, bé vẫn chưa biết rõ giá trị các mặt tiền đâu. Nên khi con xin mổ heo mua tai nghe điện thoại, mình khá bất ngờ. Con lễ phép xin, dù là tiền của con, nhưng mình vẫn kiên quyết là mua cái gì cho phù hợp. Con xin mua tai nghe mình không cho vì cái này khá nguy hiểm; mình muốn kiểm soát con xem gì, nghe gì trên điện thoại. Lần sau, con xin lấy tiền để mua găng tay chơi bắt bóng ở trường, mình đồng ý ngay. Con mình làm thủ môn. Cái gì con xin tiền hợp lý thì mình cho”, chị Khánh kể.
Cha mẹ phải nhất quán
Tết vừa rồi, ngay sau khi nhận phong bao lì xì từ chú Quang, bạn của mẹ đến chơi nhà, bé Khánh Vân (8 tuổi) mở ra ngay lập tức. “Bữa nay mà còn lì xì 20.000 đồng ha chú?”, nói đoạn, bé Nguyên dúi vào tay mẹ: “Mẹ giữ luôn. Thôi, con không cầm đâu”, rồi bỏ ra ngoài sân chơi. Chị Trần Thị Thảo Nguyên, mẹ bé Vân, không kịp nói câu nào với con, còn xấu hổ với khách.
Anh Quang cũng khá lúng túng, vì ít khi gặp trường hợp bé “chê tiền” như vậy. Chị Nguyên thở dài, nói: “Thiệt tình, mình cũng có cho tiền con tiêu vặt từ sớm nên bé rất rành rẽ về tiền bạc. Bé cũng hay xem phim này kia, rồi tiếp xúc với mấy anh chị lớn hơn nên học mấy tính hư hồi nào mình không hay. Nhưng mà chê tiền lì xì kiểu này thì mình cũng không đỡ kịp. Một phần lỗi là do mình, không dạy con kỹ”.
Khi trẻ có tiền mừng tuổi là thời điểm cha mẹ cần dạy con một số kỹ năng cần thiết về ý nghĩa của việc mừng tuổi đầu năm, về việc biết nói cảm ơn, đưa hai tay nhận quà và dành những lời chúc đầu năm mới với người mừng tuổi. Quan trọng nữa, cha mẹ cần dạy con biết giá trị của đồng tiền và cách sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả. Một số phụ huynh đã khuyến khích các em để dành tiền nuôi heo đất sau này mua xe đạp, mua quần áo, đóng tiền học.
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng, không cho tiền sớm, giúp trẻ miễn nhiễm với thói hư tật xấu, bởi con nít cho xài tiền sớm dễ hư. Chưa biết xài tiền thì không có chuyện gì, tới chừng biết xài tiền rồi mà không có, lại dẫn đến việc lén lấy tiền của ba mẹ. Thật ra, dạy con biết cách tiêu tiền là cần thiết và rất nhạy cảm, đòi hỏi ở cha mẹ một sự khéo léo nhất định.
Thực tế, dù muốn hay không, đến một giai đoạn nhất định, trẻ cần có nhận thức, thái độ và hành vi với tiền. Cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ nhận biết việc sử dụng tiền theo từng độ tuổi.
Như anh Hoàng Tâm (quận Thủ Đức) chia sẻ: “Làm cha mẹ hãy giữ vững quan điểm của mình, nhất quán giữa lời nói và việc làm. Phải thống nhất với con trong việc cho con tiền để tiêu vào việc gì, giải thích rõ, con tiết kiệm tiền để mua những gì. Ngoài ra, cần lên kế hoạch cho các con biết sẽ sử dụng số tiền trên như thế nào cho hợp lý, hiệu quả”.