Là phụ huynh có hai con theo học phổ thông, một cháu học lớp 7 và một học lớp 11, tôi cũng như nhiều phụ huynh nặng trĩu nỗi niềm, tâm sự về chuyện phải cho con đi học thêm.
Tùy theo nhu cầu, kỳ vọng vào chuyện học hành của con cái, phụ huynh có lựa chọn khác nhau, đầu tư khác nhau. Hơn nữa, trình độ giáo viên ở từng trường cũng khác nhau, nếu gặp giáo viên dạy không tốt, dạy không hiểu bài thì làm sao không cho con đi học thêm. Vì thế, chúng tôi khẳng định chuyện dạy thêm của thầy cô không có gì đáng lên án nếu cái tâm của họ trong sáng, dạy thêm để có thu nhập chính đáng và đáp ứng nhu cầu tự nguyện cần bổ sung kiến thức, nâng cao kiến thức cho học sinh. Thực tế đã chứng minh rằng muốn bước vào những ngôi trường có thương hiệu, chất lượng đào tạo tốt, nhất là vượt qua kỳ thi căng thẳng vào lớp 10 trường THPT công lập thuộc tốp đầu hoặc giữa, học sinh không thể không học thêm từ bậc THCS.
Đưa con đến trường, lòng PHHS lo lắng đủ chuyện. Ảnh minh họa: Đ.H
Điều đáng nói ở đây là có một số giáo viên lợi dụng quyền đứng lớp, muốn trục lợi từ nhu cầu của học sinh, phụ huynh nên tìm cách lôi kéo học trò đến lớp dạy thêm của mình. Điển hình là con gái tôi đang học lớp 7 ở một trường trung học có tiếng ở quận 5 và cháu thường kể những câu nói không hay của một thầy dạy Toán khi ám chỉ những học trò không học thêm thầy. Thầy dạy không hay nhưng thường ra những bài tập khó và thách đố: “Ai không học thêm tui mà giải được bài này thì tui phục sát đất…”. Tất nhiên, con tôi và một số cháu khác không học thầy thì không thể giải bài toán khó này dù cháu có học lực tốt và cũng đi học thêm ở thầy giáo khác dạy Toán giỏi hơn, có tiếng hơn ở TP.
Không chỉ buồn và ấm ức về câu nói đầy thách thức của thầy dạy Toán, con tôi luôn có ấn tượng không tốt về thầy, cô “ép” học trò đi học thêm lớp do mình dạy. Như thế, làm sao học trò có thể tôn kính họ cũng như yêu trường lớp? Cứ đến giờ chờ đón con, phụ huynh chúng tôi lại râm ran chuyện dạy thêm học thêm và bàn tán về thầy này, cô nọ dạy có tâm, hết lòng vì học sinh hay tìm cách lôi kéo học trò về điểm dạy thêm của mình. Là ngôi trường có thương hiệu, phụ huynh đều ao ước được gởi con vào học. Thế nhưng, bên cạnh những thầy cô hết lòng vì học trò thì cũng có không ít người đã làm xấu hình ảnh của mình chỉ vì muốn tăng thu nhập. Phải chăng, ban giám hiệu nhà trường không biết hoặc biết mà tảng lờ, không quản lý, chấn chỉnh thái độ, cách hành xử thiếu công bằng, thiếu lương tâm của giáo viên với học trò?
Chính vì sự biến tướng trong dạy thêm, học thêm này, phụ huynh chúng tôi đồng tình với chủ trương phải quản lý hoạt động này, tách bạch giữa dạy thêm tại trường và trung tâm. Cần nghiêm cấm, xử lý những giáo viên có hành vi vi phạm đạo đức, lôi kéo, “ép” học trò do chính mình dạy chính khóa đến học thêm. Trừ trường hợp giáo viên dạy hay, học sinh thích học và tự nguyện đăng ký. Tuy nhiên, muốn cấm dạy thêm, học thêm thì người thầy phải dạy học trò bằng cái tâm, truyền đạt hết kiến thức chứ không thể dạy qua loa trong giờ chính khóa và cái gì gọi là “tinh hoa, bí quyết” thì chỉ dành cho lớp dạy thêm. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều thầy cô dạy ở trung tâm văn hóa ngoài giờ như Trung tâm Lý Tự Trọng thì dạy rất hay, dạy lớp tuyển-lọc toàn học sinh giỏi, “gà chọi” nhưng ở lớp chính khóa thì dạy qua loa, ai hiểu thì hiểu. Vì thế, muốn hiểu bài, muốn theo kịp bạn bè trong lớp đều đi học thêm bên ngoài, con tôi phải vào guồng học thêm, dù đã học 2 buổi tại một trường chất lượng cao.
Cứ mỗi lần đưa con qua một lần đò (một lớp học, cấp học), chúng tôi lại thầm cảm ơn những người thầy, người cô luôn nhắn nhủ học trò không cần học thêm và chỉ bảo tận tình việc tự học, tự ôn luyện tại nhà là chính. Ấm áp làm sao khi họ nói chân tình: “Có gì khó, không hiểu cứ hỏi thầy cô”. Ngày xưa đi học, dù nghèo khó, dù lớp học tềnh toàng, từ thầy đến trò đều thiếu thốn nhưng mỗi tiết họ đều hấp dẫn vì thầy cô hết lòng vì học trò, dạy bằng cái tâm trong sáng. Nhớ về hình ảnh về thầy cô thời nghèo khó sao ấm áp, thân thương. Thời đó, cách đây hơn 30 năm, chúng tôi chẳng có ai học thêm mà vẫn thi đậu đại học và ai có năng lực đến đâu thì thể hiện đúng đến đó. Còn bây giờ, ngay con mình học giỏi, nhận được danh hiệu này nọ nhưng chúng tôi-nhiều phụ huynh cũng cảm thấy nặng trĩu nỗi niềm, tâm trạng. Thực chất con mình giỏi thật hay có “mác giỏi” nhờ học thêm, giải bài, luyện thi nhiều? Không học thêm thì không theo kịp chương trình, không học thêm thì trở thành “lạc loài” trong lớp…Nhưng theo con học thêm, luyện thi, phụ huynh cũng có bao nhiều nỗi khổ sở, mệt mỏi vì tốn tiền, tốn công sức, mất niềm tin vào giáo dục. Vì thế, các cấp chính quyền, lãnh đạo TPHCM, ngành GD-ĐT hãy lắng nghe tâm tư của nhà giáo, phụ huynh, học sinh để tìm giải pháp phù hợp, khoa học, có tình có lý và khả thi trong việc quản lý, cấm dạy thêm, học thêm tràn lan, gây nhiều hệ lụy như hiện nay.
Nhung An ( quận 11 TPHCM)