Giá heo, gà rớt mạnh...
Những ngày này, phóng viên Báo SGGP đã khảo sát một vòng các trang trại nuôi heo, gia cầm ở ngoại thành Hà Nội và bắt gặp rất nhiều trang trại đóng cửa, “treo” chuồng, bỏ không cho cỏ mọc. Ông Nguyễn Văn Truyền ở xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) cho biết, gia đình thuê đất mở trại nuôi gà từ năm 2007 đến nay, nhưng do 2 năm nay giá gà xuống quá thấp nên phải tạm chuyển qua nuôi 4.000 con ngan để giảm chi phí thức ăn chăn nuôi.
Tại thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang (cùng huyện Quốc Oai), anh Nguyễn Văn Đại, chủ trang trại 15.000 con gà lông trắng và siêu trứng, than thở: “Suốt 2 năm nay, chăn nuôi bết bát, khó khăn quá”. Theo anh, trong đợt cách ly phong tỏa, giãn cách xã hội vừa qua, giá trứng gà đỏ còn bán được 2.500 đồng/quả, nhưng vài hôm nay giảm xuống chỉ còn 1.500 đồng/quả, còn loại xấu chỉ được 1.100 đồng/quả.
Trong khu chăn nuôi của anh Đại, hiện hơn 7.000 con gà đang trong thời kỳ đẻ trứng và hơn 7.000 con gà khác đang ở giai đoạn “hậu bị”, sau 2-3 ngày nữa là đưa lên lồng (bắt đầu sinh sản). Nhưng, với giá trứng cao nhất hiện nay là 1.500 đồng/quả, trong khi chi phí trung bình là 1.800 đồng/quả, thì gà càng đẻ nhiều anh càng lỗ nặng (ước tính thua lỗ khoảng 4-5 triệu đồng/ngày).
Khi được hỏi về chủ trương đầu tư phục hồi chăn nuôi, tái đàn để đón đầu các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, anh Nguyễn Nhã Phú (một chủ trại gia cầm ở thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang), trả lời: “Tôi cụt vốn rồi”. Hồi tháng 4, cả trang trại 7.500 con gà của anh bị dịch H5N1 nên chết sạch, thiệt hại tương đương 1,1 tỷ đồng. Cơ quan thú y xuống, chỉ kịp kiểm đếm được 3.500 con để tiêu hủy, nhưng đến nay anh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ từ cơ quan thú y huyện Quốc Oai và TP Hà Nội. Không còn vốn nên anh không thể tái đầu tư, hiện đang mong chờ ngân hàng có các chính sách tín dụng linh hoạt để hỗ trợ.
Nhưng giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao
Theo tìm hiểu từ nhiều chủ trại, trong khi cung đang vượt cầu thì Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương hiện nay lại đang cho phép nhập khẩu ồ ạt thịt gia súc, gia cầm từ nước ngoài về để tiêu thụ trong các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2022. Đợt dịch vừa qua, mặc dù giá thực phẩm lên chút đỉnh, nhưng cũng chỉ mang tính cục bộ; còn trên thực tế các chủ trại không tiêu thụ được sản phẩm trong lúc phong tỏa, giãn cách do khâu giao thương, vận chuyển, mua bán rất khó khăn. Vì vậy, không chỉ riêng ở địa bàn Hà Nội mà trên cả nước, ước tính có khoảng 35-40% chủ trại đã bỏ chăn nuôi, “treo” chuồng trại để chờ đợi giá tăng trở lại hoặc do cụt vốn nên đành lực bất tòng tâm.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), nhiều nơi giá heo rớt mạnh, nhất là khu vực miền Bắc (có nơi đã xuống mức 33.000-35.000 đồng/kg). Nguyên nhân giá thực phẩm rớt mạnh như hiện nay là do “thừa cung ảo”. Thực tế, sản xuất vẫn bình thường, nhưng tại các thành phố lớn, lượng người lao động rời đi để về quê rất nhiều; các nhà hàng, quán ăn bình dân, trường học, bếp ăn tập thể chưa hoạt động bình thường trở lại. Do nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng thịt gia súc, gia cầm (nhất là với thịt heo, thịt gà) giảm rất nhiều, nên vật nuôi ứ đọng trong chuồng.
Ông Trọng cũng cho biết, mặc dù tăng trưởng đàn heo trong 9 tháng đầu năm nay vẫn tăng 5%, nhưng với giá heo rớt mạnh như hiện nay, nếu các chủ trại tiếp tục bán tháo để “treo” chuồng, có thể tiềm ẩn nguy cơ thiếu thực phẩm vào dịp cuối năm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thông tin, trong khi giá thực phẩm rẻ thì giá thức ăn chăn nuôi đang tăng quá cao, đẩy người chăn nuôi vào khó khăn. Bộ NN-PTNT đã có văn bản báo cáo Chính phủ và các bộ ngành liên quan để xem xét, sớm tháo gỡ những nút thắt về vốn tín dụng cho người chăn nuôi tái đàn, giảm chi phí logistics, giảm giá thức ăn chăn nuôi…
Giá heo hơi tiếp tục giảm THANH HẢI |