Ngày 6-8, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội nghị "Tăng cường các biện pháp liên ngành phòng chống bệnh dại các tỉnh trọng điểm miền Bắc”.
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng và Cục Thú y nêu rõ, đến hết tháng 7-2019, cả nước ghi nhận 46 người bị chết vì bệnh dại tại 24 tỉnh, thành phố. Từ năm 2018 tới nay, tình hình bệnh dại có diễn biến phức tạp với số người tử vong do dại tăng cao (năm 2018 là 103 người chết, tăng hơn so với năm 2017 là 29). Đặc biệt, dịch bệnh xuất hiện và tăng mạnh ở những tỉnh thành vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại.
Trong khi bệnh dại hiện vẫn là dịch bệnh có số tử vong trên người cao nhất và hầu hết các ca tử vong là do không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị động vật cắn.
Theo đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có 500.000 người tiêm vaccine phòng dại. Số ca tử vong do bệnh dại đứng đầu trong số các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam trong giai đoạn năm 2008-2018.
Bệnh dại diễn biến phức tạp là do chó nuôi được thả rông nhiều chưa được quản lý chặt chẽ. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó còn thấp (51%) chưa đạt ngưỡng khống chế.
Cùng với đó, nhận thức về phòng chống bệnh dại của người dân còn hạn chế, chủ quan. Việc tiếp cận với vaccine phòng bệnh dại cũng bị hạn chế bởi giá vaccine nhập khẩu còn cao, số điểm tiêm phòng dại còn chưa bao phủ hết các huyện.
Trong khi đó, WHO và Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) cảnh báo, bệnh dại đã ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Bệnh dại ở người chỉ có thể được ngăn chặn thông qua các biện pháp như: tiêm vaccine dại cho người ngay sau khi bị chó nghi dại cắn, bên cạnh đó cần quản lý tốt đàn chó, và tiêm vaccine cho chó.