Chợ bông ngày Tết

Không biết tự bao giờ chuyện chưng bông ngày Tết đã có ở Nam bộ, có lẽ lúc đầu khi đến vùng đất hoang hóa này lưu dân trồng bông nở vào ngày Tết để nhớ về quê hương cố thổ. Vài gốc mai vàng, vài bụi vạn thọ… là những loại cây thích hợp với phương nam nắng gió cũng đủ thỏa lòng người xa xứ. Rồi người đông, chợ Tết ngoài những mặt hàng cần thiết như vải vóc, bánh mứt…chợ bông Tết cũng hình thành.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Má đi chợ bông tết Mậu Thân 1968 - Bến Ninh Kiều. Ảnh tác giả cung cấp
Má đi chợ bông tết Mậu Thân 1968 - Bến Ninh Kiều. Ảnh tác giả cung cấp

Cách đây hơn sáu mươi năm, tôi nhớ năm nào ba cũng chở má tôi đi chợ mua bông chưng vào dịp Tết. Má tôi thường mặc áo bà ba mình the bông ép màu đọt xoài, quần lãnh mỹ a đen tuyền, tay cầm giỏ bàng, đầu đội nón lá đi chợ Tết lựa bông. Ngày đó, ở Cần Thơ không có nhiều nơi bán bông như bây giờ, để mua được những chậu bông đẹp phải đi chợ ở Bến Ninh Kiều. Thường ba má đều mua bông chẵn cặp chớ không mua một chậu bao giờ. Một cặp cúc, một cặp vạn thọ, một cặp mẫu đơn, có năm nhiều tiền còn mua cả bông hồng…

Mua xong, má mướn xích lô đạp chở về nhà một xe đầy bông, má nói xe xích lô đạp chạy chậm cây sẽ không bị gãy nhánh rụng bông... Vào những ngày cận Tết, má tôi lại đi chợ mua mai nhánh, má lựa những nhánh có nhiều nụ lớn để bông nở vào đúng giao thừa. Những người bán mai nhánh thường ôm bó mai lúc thì đứng một một chỗ, lúc đi tới đi lui để bán cho mau hết hàng. Nhìn từ xa ta thấy họ như những chậu mai di động.

Bông Tết ngày xưa không có những chậu lớn khủng như bây giờ vì vận chuyển đều bằng sức người. Những chậu mai nhỏ thì đem ra chợ, cây lớn cứ cắt nhánh bán, còn gốc chăm sóc năm sau lại bán tiếp. Có những vườn mai rất rộng chỉ bán nhánh vào dịp Tết, người yêu thích có thể đến mua mai nhánh tận vườn. Những nhánh mai cũng là quà tặng cho nhau, đặc biệt món quà này chỉ xuất hiện vào ngày cận Tết. Tôi nhớ có năm chị tôi được người quen tặng cho một bó mai lớn, bình bông Tết nhà tôi năm đó đẹp vô cùng. Tết tới rồi, tôi không thể tưởng tượng Tết mà không có bông. Chuyện mua bông ngày Tết cứ lập đi lập lại năm này qua năm khác. Tôi từ một cô bé nhỏ xíu chờ tới Tết từng ngày để được mặc quần áo mới, để nhận lì xì… cho đến khi lập gia đình ra riêng, tôi thấy má mình năm nào cũng đi chợ bông ngày Tết.

Rồi giải phóng, ba má tôi về đất nhà ở Xẻo Cao làm vườn nuôi các con tiếp tục đi học tại Cần Thơ. Trước khi cất ngôi nhà lá ở quê, ba tôi trồng trước sân mấy gốc mai vàng, còn má tôi thường tự trồng vài luống vạn thọ cho vui cửa vui nhà ngày Tết. Có năm không trồng kịp, má đón ghe bán bông dạo trên sông mua thêm vài chậu bông vạn thọ hoặc chèo ghe ra tận chợ Cái Tắc để mua bông cho đẹp. Nhìn má chèo ghe chở đầy bông trở về nhà tôi lại nhớ chiếc xích lô rực rỡ sắc màu mùa Tết ngày xưa.

Năm bảy mươi tuổi má bệnh nhiều, cả nhà lo chăm sóc má không ai lặt lá mai cũng chẳng nghĩ đến chuyện mua bông vạn thọ. Chiều ba mươi Tết, trước mâm cơm rước ông bà cả nhà tề tựu đông đủ, đốt nhang xong, má nằm trên giường nhìn ra sân: “Sao không đứa nào mua cho má cặp bông vạn thọ?”. Trời ơi! Chiều ba mươi Tết chợ dẹp hết rồi còn ai bán bông? Từ nhà má ở Xẻo Cao, hai vợ chồng tôi đạp xe về nhà riêng ở Cần Thơ cách xa gần hai chục cây số, nghe tiếng pháo nổ đì đùng mà lòng như lửa đốt. Tôi thấy mình thật vô tâm không mua cho má bông vạn thọ để má được hưởng Tết có bông hoa như mọi năm và cũng là cầu mong cho má sống lâu như tên vạn thọ. Tới nhà, hai vợ chồng đạp xe luôn ra chợ bông ở bến Ninh Kiều coi còn ai bán bông không. Thông thường, chợ ngày ba mươi Tết chỉ kéo dài đến 12 giờ trưa là phải dẹp để công nhân vệ sinh dọn sạch cho chợ ăn Tết.

Trời đã tối, cái chợ ngày thường ồn ào nay đã khoác cho mình chiếc áo mới sạch sẽ vô cùng, chợ bông đã dẹp từ lâu. Gió sông thổi vô mát rượi, còn vài giờ nữa là tới giao thừa, đâu còn ai bán bông nữa má ơi! Chợt nhìn ra sông, có một chiếc ghe còn vài chậu vạn thọ ế đang nhổ sào định về nhà, vợ chồng tôi kêu vội để kịp mua. Chủ ghe mừng vì bán được bông trước lúc giao thừa, vợ chồng tôi còn mừng hơn vì thực hiện được mong ước của má. Má tôi giờ như ghe bông sắp nhổ sào về nhà cùng với ba. Ôm chậu vạn thọ tôi chúc vợ chồng chủ ghe qua năm mới mua may bán đắt. Ngày mai - sáng mùng một Tết, tôi lại cùng chồng chở cặp bông về quê với lời chúc mong má vạn thọ vô cương.

VƯƠNG THỊ NGUYỆT QUẾ

Quận Ninh Kiều, Thành phố Cần Thơ

Tin cùng chuyên mục