Gạt chống xe, tôi ngồi xuống kế bên gian hàng của chị với những trái mơ chín vàng, cầm vài trái lên tay đã thấy mùi thơm đặc trưng. Kế bên là chiếc mâm với những trái mận hậu còn phấn trắng, có cả cuống lá xanh, được xếp ngay ngắn, đầy hút mắt.
- Nhặt cho em 2kg mơ, lựa trái nào đừng dập nhé.
- Yên tâm, 10 quả như một. Chị bán ở đây mỗi ngày, chưa hề bị khách phàn nàn. Có người mua cả chục cân về ngâm đường, ngâm muối.
Mua hàng xong, chạy xe chầm chậm trong chợ, khắp lối đi chính, những hàng mơ, mận hậu được bày khắp. Liếc nhìn những bảng giá được ghi nguệch ngoạc trên những tấm bìa carton, dường như giá không chênh nhau là mấy. Âu cũng là thỏa thuận ngầm của những người bán hàng, không ai muốn phá giá.
Ở TPHCM bây giờ, nếu muốn ăn đặc sản miền Bắc thì đến chợ Căn cứ 26, chợ Tân Sơn Nhất (quận Gò Vấp) hay chợ Đo Đạc (quận 2), chợ Ông Tạ (quận Tân Bình), chợ Hòa Hưng (quận 10)… Không thiếu thứ gì, khỏi cất công gửi từ quê nhà vào. Muốn có những bữa cơm “chuẩn vị Bắc”, đi chợ khi sáng sớm đừng quên tạt vô hàng bán cua, cá, tép đồng để thoải mái lựa chọn những mớ hàng tươi ngon nhất. Nhộng tằm, đậu phụ Bắc, giò chả Bắc, bánh chưng, bún lá, măng khô, miến dong, nếp cái hoa vàng… đủ cả.
Có những thứ, nếu không là người miền Bắc bạn sẽ bất ngờ như khi mua gà luôn được chủ hàng “khuyến mãi” thêm lá chanh. Các loại rau củ quả, gia vị miền Bắc mới về mỗi sáng, loại nào loại nấy đều rất tươi ngon: từ ngải cứu, húng láng, thì là, lá xương xông cho đến trái dọc, chanh đào, gấc…. Cũng những thứ ấy, mua ở các chợ khác hay siêu thị đều có, nhưng từ hình dáng, màu sắc đến mùi vị khác hẳn.
Ngoài những món hàng mùa nào cũng có, các chợ đặc sản miền Bắc ở TPHCM không thể thiếu những đặc sản theo mùa. Mùa này là mơ, mận. Chừng dăm bữa nửa tháng nữa là thời điểm khắp chợ ngập tràn các hàng bán trái vải, từ vải tu hú (loại vải đầu mùa, trái to ngọt thanh xen vị chua) đến vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), Hưng Yên. Khi mùa vải hạ màn, đến mùa nhãn lồng Hưng Yên. Trời chuyển sang thu, tầm tháng 8 - tháng 10 là đến mùa của sấu, chanh đào. Trước đó, vào tháng 3 - tháng 4 không thể thiếu những bó loa kèn với sắc trắng tinh khôi. Ngày tết là những mớ lá dong, bó lạt giang theo chân các bà, các mẹ về mỗi bếp nhà.
Phương Nam hiếu khách, luôn là mảnh đất người dân khắp nơi tìm đến, học tập, làm việc và lập nghiệp. Ở mảnh đất phương Nam này, không thiếu những ngôi “chợ Bắc”, “chợ Trung” với những món ăn đặc sản đậm chất vùng miền, để những người con xa quê, chọn thành phố làm quê hương thứ hai, luôn thấy ấm lòng…