Tâm lý đàn ông nói chung, người nào cũng muốn được vợ quan tâm, chăm sóc yêu chiều. Tuy nhiên, điều gì cũng có mức độ và giới hạn của nó. Ngày mới yêu nhau, tôi rất tự hào về tình yêu của nàng dành cho mình. Mà chẳng phải tôi tự hào “suông” đâu, đồng nghiệp, bạn bè, ai cũng thầm ganh tỵ với tôi. Người yêu tôi khéo léo, dịu dàng và rất chu toàn. Câu cửa miệng của nàng khi nói với mọi người là “anh ấy của em là số một”.
Vì nàng yêu thương, ngưỡng mộ và chăm sóc tôi hết lòng nên tôi rất hãnh diện. Tôi luôn tạo mọi điều kiện để nàng có cơ hội chăm sóc mình. Khi ấy, tôi luôn tưởng tượng ra một mái nhà hạnh phúc dưới bàn tay chăm chút tài tình của nàng. Những dịp đi ăn cùng nhau, nàng luôn chọn những món ăn tôi yêu thích. Sau những bữa ăn, nàng nhỏ nhẹ đặt vào tay tôi viên kẹo cao su. Trong đối nhân xử thế, nàng của tôi nhẹ nhàng, tế nhị, kín đáo thật đáng yêu, không chê được điểm nào. Thế thì làm sao mà bạn bè tôi không ganh tỵ.
Thế nhưng lấy nhau về, tôi mới thấy được những “mặt trái” của tính chu đáo và cầu toàn thái quá của vợ. Nàng đã tạo một bầu trời chung, luôn bắt buộc tôi phải ngụp chìm trong đó. Tôi đi làm, sáng ra vợ đã chuẩn bị đầy đủ thức ăn và cà phê. Nàng bắt tôi phải ăn sáng rồi mới ra khỏi nhà, chiều phải về đúng giờ, chia sẻ công việc và ăn bữa cơm gia đình cùng nàng. Còn buổi trưa, nàng luôn sắp sẵn cho tôi một cặp lồng cơm với đầy đủ các loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng. Ôi, nàng đặt vào đó bao nhiêu tình yêu của mình, khiến tôi ngày ba bữa phải nhớ đến nàng, quen cơm nàng. Nàng luôn tự hào coi đó là cách quản chồng hiệu quả.
Thỉnh thoảng tôi nói muốn ăn sáng, uống cà phê với bạn, nàng nũng nịu nói bóng gió: “Ăn uống ở ngoài quán không đảm bảo vệ sinh hay anh đang chán cơm thèm phở?”. Trưa đi ăn cơm ở văn phòng, nàng bảo: “Anh ăn cơm em nấu đi, để khi nào cũng nhớ đến vợ yêu”. Chiều tôi muốn họp mặt lai rai với bạn bè trước khi về nhà, nàng lại nước mắt ngắn dài. Mà nàng cứ nhỏ nhẹ, thỏ thẻ, dịu dàng, ngọt nhạt như thế, làm sao tôi có thể cự cãi? Nàng chăm chút tôi từng giờ từng phút kể cả việc đi lại. Từ khi lấy nhau, tôi trở thành tài xế “bất đắc dĩ” của vợ. Sáng ra, trước khi đi làm phải chở nàng đến cơ quan. Trên đường đi, nàng “vô tình” trở thành cảnh sát giao thông kiểm soát luôn việc đi lại của tôi. Vì thế, đi đâu tôi cũng khốn đốn vì phải đèo theo “rơ-moóc”. Khổ nhất là chuyện ăn nhậu của cánh đàn ông chúng tôi. Nhậu nhẹt ở ngoài thì tôi ngại phải đưa đón vợ, thế là nàng khuyên tôi: “Anh đưa các bạn về nhà mình nhậu, để em trổ tài nấu nướng, mồi nhậu em làm cho, vừa ngon, vừa rẻ, vừa… thoải mái hơn ngoài quán”. Tôi rất thấu hiểu tấm chân tình của vợ nhưng thoải mái thì chắc… chỉ có nàng. Bạn bè, đồng nghiệp của tôi sau một đôi lần đến nhậu xã giao đều kiếu. Đàn ông suốt ngày vất vả, căng thẳng với công việc, rủ nhau nhậu nhẹt là để tào lao, tán dóc, nói đùa đôi câu để thư giãn, chứ ăn nhậu mà đóng vai lịch sự, chỉn chu trước mặt nàng thì ai mà muốn.
Thương vợ, nhưng không được thoải mái tung tẩy như lúc còn độc thân nên tôi bắt đầu cảm thấy ngột ngạt và bực bội. Khi thấy tôi háo hức với bạn bè, nàng lại mè nheo: “Anh vẫn cần có ai đó, vẫn muốn đi ra ngoài, có nghĩa là em không phải là tất cả…”. Mỗi lần nàng như thế là tôi lại nản chí, tìm mọi cách để chiều lòng nàng. Thế nhưng vì thực hiện một cách miễn cưỡng nên cuộc sống vợ chồng của tôi bắt đầu thấy tù túng, khó chịu, luôn có cảm giác bị bó buộc. Tôi không ngờ rằng sẽ có lúc lại phải bị ngột ngạt ngay trong tổ ấm của mình. Vợ ơi! Em có thể cấp cho anh một giấy thông hành trong một khoảng thời gian, không gian nhất định nào đó để anh được lại là chính mình? Điều này có ích cho cả anh và em nữa đấy!
Nguyễn Văn Công (Đồng Nai)