Chở ân tình về xuôi

Những ngày qua, nhiều chuyến xe chở chuối, rau, măng tươi của người dân từ các huyện vùng cao tỉnh Quảng Nam đã xuôi về Đà Nẵng, tiếp sức người dân chống dịch.
Chở ân tình về xuôi

Cơ Lâu Lanh, chủ khu lưu trú Nấm Homestay (ở thôn Ra Ê, xã Ating, huyện Đông Giang), cho biết, chứng kiến các bác sĩ và người dân tại Đà Nẵng quá vất vả trong những ngày dịch, bạn đã trao đổi với những thanh niên giàu nhiệt huyết trong huyện xuống tận làng mời gọi bà con quyên góp đồ đạc gửi xuống TP Đà Nẵng, hỗ trợ bà con chống dịch. “Mình vào tận nơi nói chuyện với các trưởng thôn, già làng... ai nấy đều giơ tay đồng ý. Họ bảo người Cơ Tu mình ở trên cao đang bình yên nhưng người dân Đà Nẵng thì lại rất khổ”, Lanh kể.

Bằng mọi cách góp công, góp của chống dịch, người vào rừng hái măng, đem về tách vỏ, luộc chín, đóng thành bao; người ra rừng kiếm rau, hái lá; nhà có vườn chanh thì hái những trái to nhất... Tất cả được gom lại, gửi đến điểm tập kết do Lanh và các bạn trẻ khác phụ trách chuyển đi. 

Cuối tuần qua, hàng tấn rau củ quả cũng vừa được vận chuyển từ huyện miền núi Nam Trà My đến ủng hộ người dân Đà Nẵng. Từ nóc Ông Rú (thôn 2, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My), ông Hồ Văn Hùng cõng trên vai rau ngót, lá lót, bí đỏ gia đình trồng trên rẫy đến ủng hộ người dân ở vùng tâm dịch. Khi nghe cán bộ mặt trận thôn 2 kêu gọi ủng hộ rau củ quả cho đồng bằng, ông Hùng không ngần ngại đăng ký ngay. “Rẫy nhà có chi thì mình ủng hộ nấy thôi. Tất cả đều do tôi trồng hết. Hồi trước, mỗi lần thôn, xã bị bão lụt, sạt lở núi, nghèo không có cái ăn thì bà con đồng bằng đem lên cho gạo, mắm, muối, áo quần, cho làm nhà, cho tiền... nhiều lắm. Chừ thì bà con miền núi đền đáp, cảm ơn chứ!”, ông Hùng vui vẻ nói.

“Ngày đầu tiên phát động, tụi mình gom được một xe tải chất đầy chuối, bánh, nhiều nhất là chanh tươi, măng luộc (ảnh). Từ ngày thứ hai trở đi, bà con gửi nhiều hơn, đến nỗi xe chở mỗi ngày 2 chuyến vẫn không hết”, một thành viên đoàn tình nguyện tâm tình. Bằng những món quà ân tình, bà con miền núi mong sao dịch bệnh sớm bị đẩy lùi, cuộc sống người dân miền xuôi sớm trở lại bình thường.

Tin cùng chuyên mục