Năm ngoái, TPHCM rầm rộ chiến dịch ra quân nhằm lập lại trật tự lòng lề đường. UBND TP chỉ đạo và giao trách nhiệm cho các quận, huyện đến ngày 15-10-2007 phải giải quyết dứt điểm; quận, huyện nào còn để xảy ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường thì chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm… Người dân chờ đợi sau ngày 15-10 đường phố sẽ được thông thoáng. Nhưng rốt cuộc, cho đến nay chẳng thấy vị chủ tịch quận, huyện nào “chịu trách nhiệm”?!
Ai đã có dịp đi qua đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, đều thấy tình trạng lấn chiếm lòng lề đường ở đó như thế nào. Thế nhưng, điều trớ trêu là quận 3 đã trương lên đầu đường này hai tấm băng rôn có nội dung: “Tuyến đường trọng điểm lập lại trật tự đô thị và an toàn giao thông” và “Nghiêm cấm hành vi lấn chiếm lề, lòng đường làm nơi kinh doanh, giữ xe”.
Nội dung của hai tấm băng rôn và thực tế dưới lòng lề đường tương phản đến mức không thể không nghĩ hoặc là ai đó bày ra “trò đùa” hay chính quyền địa phương đã bị… vô hiệu. Và người dân có quyền đặt câu hỏi: chủ tịch UBND quận 3 phải chịu trách nhiệm như thế nào trước UBND TP?
Những tháng cuối năm 2007 và đầu năm 2008, tai nạn lao động trở nên báo động, nhất là tại công trình xây dựng và khai thác đá, làm nhiều người thiệt mạng, nhưng không thấy đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm, từ bộ-ngành cho tới chính quyền địa phương.
Trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, bà Đoàn Minh Hòa, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh lao động (Bộ LĐTB-XH) nhìn nhận cơ quan mình chỉ có một phần trách nhiệm, còn trách nhiệm chính là thuộc về Bộ Công thương và Bộ Xây dựng đối với tai nạn trong khai thác đá và trong công trình xây dựng. Tuy nhiên, hai bộ trên đã im lặng. Vậy ai chịu trách nhiệm?
Giáp Tết Mậu Tý năm nay, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo nếu địa phương nào để xảy ra tình trạng sử dụng pháo trái phép thì chủ tịch UBND tỉnh, TP phải chịu trách nhiệm. Hy vọng chỉ thị của Thủ tướng sẽ được thực hiện nghiêm. Thế nhưng, nếu địa phương nào để xảy ra đốt pháo thì không biết ông chủ tịch nơi đó nhận và chịu trách nhiệm như thế nào?
Quý Lâm