Trong đó đáng chú ý, luật sư đại diện cho bệnh viện đã đưa ra nhiều tình tiết, bằng chứng cho thấy ông Trương Quý Dương (nguyên giám đốc bệnh viện) có trách nhiệm rất lớn trong vụ án khi để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng, cần thiết phải bị xử lý hình sự.
Thực hiện quyền bào chữa, bảo vệ cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, luật sư Nguyễn Danh Huế đã thông tin một số vấn đề liên quan đến giá chạy thận tại bệnh viện khiến không ít người theo dõi phiên tòa “sốc”.
Theo luật sư Huế, qua các tài liệu thu thập được, giá chạy thận tại bệnh viện cao gần gấp đôi so với Bệnh viện Bạch Mai - là tuyến đầu của cả nước về chạy thận. Cụ thể, mỗi ca chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình có giá thu 7,7 USD/ca (tương đương khoảng 160.000 đồng/người/lần). Trong khi ở các nơi khác chỉ tương đương khoảng 90.000 đồng. “Bệnh nhân chạy thận đã nghèo, sao lại phải chịu giá gấp đôi so với nơi khác?” - luật sư Huế bày tỏ bức xúc.
Cũng theo luật sư Huế, theo quy định trong Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc xã hội hóa trang thiết bị y tế thì việc liên doanh liên kết với tư nhân đặt trang thiết bị y tế, máy móc y tế trong bệnh viện công phải đảm bảo 3 yếu tố: hiệu quả kinh tế, đảm bảo lợi ích bệnh nhân và lợi ích nhà đầu tư. Tuy nhiên thực tế qua những buổi làm việc, báo cáo tài chính cho thấy, việc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình hợp tác với Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) để đặt máy chạy thận nhân tạo ở bệnh viện dù thu giá cao (7,7 USD/ca) nhưng bệnh viện lại luôn báo lỗ.
Trước sự mâu thuẫn và bất cập này, luật sư Huế đề nghị hội đồng xét xử (HĐXX) phải làm rõ vai trò, trách nhiệm người đứng đầu Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Tiếp tục bày tỏ bức xúc trước việc bệnh viện thu giá chạy thận quá cao, luật sư Huế cho rằng ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình) để xảy ra sự việc nghiêm trọng này phải bị xử lý nghiêm, không chỉ với tư cách là người đứng đầu theo Luật Công chức mà còn phải bị xử lý theo Bộ luật Hình sự.
Tiếp tục phần bào chữa để bảo vệ quyền lợi cho Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, luật sư Huế đã thẳng thắn chỉ ra những vi phạm của Công ty Thiên Sơn khi chuyển nhượng trái phép hợp đồng bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống lọc nước RO đã ký với bệnh viện trước đó cho Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh để ăn chênh lệch tiền giá trị hợp đồng. Viện dẫn quy định 283 Bộ luật Dân sự, luật sư Huế cho rằng, việc Công ty Thiên Sơn chuyển nhượng thầu trái pháp luật không xin phép, không có sự đồng ý của bệnh viện là vi phạm nghiêm trọng.
Hơn nữa, Công ty Thiên Sơn cũng không hề đưa Công ty Trâm Anh vào danh sách nhà thầu phụ, lại chuyển nhượng 100% công việc sang cho Công ty Trâm Anh là vi phạm Luật Đấu thầu. Nghiêm trọng hơn, hành vi chuyển nhượng thầu trái pháp luật của Công ty Thiên Sơn là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố tai biến chạy thận làm chết 9 người.