Những năm gần đây, Bắc Kinh đã xây dựng lĩnh vực công nghệ điện tử thành một đế chế khổng lồ cạnh tranh với cả thế giới. Nhưng giờ đây, đế chế này được ví như “tòa nhà chọc trời xây trên cát”, nhất là từ khi Mỹ đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” để kiểm soát sản xuất từ các loại vi mạch điện tử cho đến trí thông minh nhân tạo. Đến thời điểm hiện nay, chính quyền của Tổng thống Joe Biden chưa có dấu hiệu muốn giảm áp lực này.
Các vi mạch điện tử nhỏ xíu chứa hàng tỷ chi tiết bán dẫn giờ không thể thiếu trong các thiết bị điện tử hiện đại. Nhu cầu các chi tiết này ngày càng bùng nổ. Trong khi đó, Trung Quốc là nước sản xuất phần lớn các thiết bị điện tử nhưng chỉ sản xuất được 15,9% số lượng vi mạch mà họ cần tiêu thụ.
Kết quả là Trung Quốc phải nhập khẩu các chất bán dẫn. Năm 2020, Trung Quốc nhập hơn 350 tỷ USD các chất bán dẫn, cao hơn cả dầu mỏ. Mới nhất, tháng 3-2021, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã nhập khẩu các chất bán dẫn trị giá 35,9 tỷ USD, mức nhập khẩu cao kỷ lục tính theo tháng từ trước đến nay.
Để không bị lệ thuộc vào nhập khẩu bán dẫn, tránh ảnh hưởng trực tiếp đến dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử ngày càng lớn, Trung Quốc không còn cách nào khác là chuyển sang thúc đẩy đầu tư để phát triển lĩnh vực bán dẫn. Bắc Kinh đã đổ hàng trăm tỷ USD vào lĩnh vực này.
Tuy nhiên, họ cũng nhận ra rằng có thể phải trả những cái giá rất đắt, khi mà tiền của bỏ ra nhiều nhưng cũng có thể mất trắng trong quá trình hoàn thiện giấc mơ tự chủ bán dẫn. Một số dự án chip gần đây đã cạn tiền do sai lầm trong quản lý hoặc nguồn cấp vốn rơi vào trạng thái bị đóng băng. Ví dụ, năm ngoái, tập đoàn nhà nước Tsinghua Unigroup đã phải đưa ra cảnh báo có thể vỡ nợ 2,5 tỷ USD trái phiếu quốc tế.
Trong khi đó, giới quan sát nhận định những nỗ lực tài chính của Trung Quốc không đủ để bảo đảm thành công vì điều cơ bản là nước này thiếu chất xám, nói cách khác là nhân tài. Không phải cứ có tiền là mua được tất cả.
Jay Goldberg, một nhà tư vấn trong ngành công nghệ và là cựu giám đốc điều hành Qualcomm, từng cho hay công nghệ bán dẫn rất khó phát triển. Những ông lớn ở lĩnh vực này đã phải tích lũy bí quyết từ hàng thập kỷ trước.
“Cứ hình dung một cái thang mà Trung Quốc đang leo dần lên trên. Nhưng, vẫn không rõ họ sẽ đi đến đâu”, ông Goldberg nhận định. Các chuyên gia cho biết hiện Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa trong việc vươn lên làm đối thủ cạnh tranh với Intel hay Nvidia, những công ty bán dẫn lớn của Mỹ. Các hãng chip nội địa thì đi sau lãnh thổ Đài Loan ít nhất 4 năm.