Theo các nhà kinh tế, mối quan hệ kinh tế gắn bó sâu sắc Trung Quốc - Nhật Bản được xây dựng trong vài thập niên qua là nền tảng cho sự ổn định trong quan hệ hai nước, bất chấp những tranh chấp lịch sử sâu xa và sự khác biệt về chính trị. Đó là một tình huống được gọi là “chính trị lạnh, kinh tế nóng”.
Giáo sư Shin Kawashima, Khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Tokyo, cho rằng trong tương lai, ngày càng khó tách biệt hoàn toàn kinh tế và chính trị. Đối với các công ty Nhật Bản, vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc vẫn giữ vai trò quan trọng. Kết quả một cuộc khảo sát của Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, được công bố vào tháng 2, cho thấy chỉ 3,8% các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc có kế hoạch thu nhỏ quy mô hoạt động kinh doanh hoặc chuyển sang nước thứ ba; trong khi 40,9% đang tìm cách mở rộng, tăng 4,3 % so với năm 2020. Cuộc khảo sát cũng cho thấy 72,2% các công ty Nhật Bản ở Trung Quốc có lãi trong năm 2021 - tỷ lệ cao nhất từ năm 2007.
Năm 2021, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, với tổng trị giá thương mại song phương đạt 371,4 tỷ USD - mức cao trong lịch sử. Với việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực vào tháng 1, thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản dự báo còn tăng cao hơn. Theo RCEP, 86% sản phẩm Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc cuối cùng sẽ được hưởng mức thuế bằng 0, trong khi 88% hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Nhật Bản sẽ được hưởng mức thuế tương tự.
Nhà nghiên cứu Zhang Jifeng, công tác ở Viện Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định, RCEP cũng có thể giúp giảm số lượng công ty Nhật Bản rời Trung Quốc và tạo điều kiện cho nhà đầu tư Trung Quốc thâm nhập thị trường Nhật Bản.