Những ngày này, trục đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM), từ bùng binh Quách Thị Trang - chợ Bến Thành đến khu vực Nhà hát Thành phố, như được khoác lên chiếc áo mới. Ngay sau đoạn ngầm tuyến metro số 1 thi công xong và hoàn trả mặt bằng, đường Lê Lợi dần “phát lộ” với những công đoạn chỉnh trang đang được xúc tiến và kết nối những tiềm năng.
Trên tuyến đường Lê Lợi, UBND quận 1 đã đề xuất phương án đầu tư và khai thác phố đi bộ nhằm tăng thêm sản phẩm du lịch, nâng cấp dịch vụ, thu hút du khách. Xét về nội lực lẫn nhu cầu nội tại của quận 1 - là “lõi” của khu vực trung tâm, việc mở rộng - kết nối - tương tác trong không gian cộng đồng là hướng phát triển đúng. Nhất là dựa trên những thành quả có được từ việc khai thác, thụ hưởng, đóng góp của các “thí điểm” trước đó ngay trên địa bàn quận: từ phố đi bộ Nguyễn Huệ kết nối ra khu vực Công viên Bến Bạch Đằng, Công trường Mê Linh; từ phố đi bộ Bùi Viện với tính “kích hoạt” từng phần cho kinh tế đêm của thành phố…
Nhất quán với quan điểm chỉ đạo, định hướng quy hoạch - phát triển của TPHCM, khu trung tâm cũng đang tiếp cận các hướng khai thác thống nhất giữa tính hiện đại (vốn nằm trong thuộc tính mở của bản sắc Sài Gòn - TPHCM) và tính truyền thống. Cái “lõi” của một đô thị mới trung tâm lại chính là hồn cốt của một đô thị cũ, nơi chứa đựng và giữ gìn những giá trị bản sắc của phố phường và thị dân. Sau gần 200 năm, trên đại lộ Bonard xưa, đường Lê Lợi ngày nay, những mái vòm nhà ga metro ẩn hiện giữa những góc đường, đối diện dãy nhà đã trên trăm năm tuổi là vô số những tòa nhà cao tầng, hiện đại. Sự đối lập chan chát giữa bên kia - lối đi bộ, hành lang thoáng đãng, tinh tươm với bên này - đâu đó gánh hàng rong, tiệm tạp hóa chen chân cùng du khách bộ hành lại là một “đặc sản” không chỉ của không gian sống mà còn là nếp sinh hoạt, mưu sinh của con người.
Xét về tính chiều kích của đô thị, ngoài bản quy hoạch khu chức năng, hệ thống giao thông, điện nước, đường phố, khối kiến trúc, quảng trường… thì con người đô thị và nếp sinh hoạt của họ mới chính là lõi giá trị để tạo dựng, giữ lấy sức sống và sự sống còn của một môi trường đô thị. Trong trường hợp này, mở rộng chức năng của đường Lê Lợi nói riêng và khu lõi trung tâm thành phố nói chung một mặt tiếp tục khai thác công năng của bản thân tính mở, hội nhập, đa dạng; mặt khác kích hoạt tiềm năng của xu hướng phát huy giá trị văn hóa di sản trong trị giá kinh tế hiện đại để mang lại “thặng dư” vô giá của cả văn hóa - kinh tế - xã hội.
Bên cạnh điểm đến - đi của một trong những loại hình giao thông hiện đại là metro, thì cần nâng cấp hình thức vận động - giải trí “truyền thống” để tạo sức bật cho kinh tế dịch vụ, kể cả việc tổ chức lại hình thức “kinh tế vỉa hè” - nơi diễn ra mối quan hệ cộng đồng không tự giác lớn nhất, bền bỉ nhất. Riêng với TPHCM, thì đây chính là một phần của sức sống bản địa, là mối quan hệ ít nhiều mang tính cộng sinh của phố và người, vỉa hè và bao thế hệ cư dân cũ - mới.
Do đó, không phải ngẫu nhiên khi ngay trong buổi làm việc với UBND quận 1 vào ngày 26-8, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, bên cạnh việc nhấn mạnh tập trung phát triển kinh tế, dịch vụ thu hút những tỷ phú-tập đoàn thế giới, tạo ấn tượng cho du khách quốc tế, đã lưu ý: “Đừng ai nghĩ trung tâm TPHCM là chỗ của người giàu, người sang trọng. Có bao nhiêu người buôn gánh, bán bưng ở đây thì phải tìm hiểu họ là ai, tạo sinh kế thế nào cho họ. Đừng nghĩ đẩy họ ra khỏi chỗ này”.
Một trong những động thái đó, cũng là sự bày tỏ “ơn dân, trọng dân” khi ngay sau việc tái lập mặt đường, lãnh đạo quận 1 đã trực tiếp gặp gỡ 100 hộ dân sống trên đường Lê Lợi để nói lời cảm ơn những chia sẻ trong thời gian 8 năm tuyến đường thi công. Cùng với đó là xúc tiến công tác sửa - xây đối với hai chung cư cũ ở 100 Cô Giang và 23 Lý Tự Trọng. Đi cùng hoạt động chỉnh trang đô thị là nỗ lực đạt được sự đồng thuận của người dân để không ai khác, chính họ là chủ thể đồng hành và cũng là mục tiêu thụ hưởng sau cùng của các chính sách, chương trình cải tạo, phát triển.