Ngày 14-11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền của Chính phủ đọc Tờ trình về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM).
Nghị quyết bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và khung khổ pháp luật
Theo đó, thực hiện Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2020; ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bổ sung tài liệu trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở đề xuất của Thành ủy, UBND TPHCM, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan của Chính phủ phối hợp với Thành phố xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của TPHCM. Thời gian qua, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thu ngân sách nhà nước của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên tinh thần Thành phố vì cả nước.
Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố đang chậm lại. Thành phố đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư mới giảm, cản trở sự phát triển bền vững của Thành phố.
Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của TPHCM trong giai đoạn phát triển mới. Để chuẩn bị, Thành phố đã có Đề án báo cáo cụ thể về nội dung này.
Tờ trình của Chính phủ cũng nêu rõ, theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Quốc hội được phép ban hành Nghị quyết quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật hiện hành.
Chính phủ cũng cho biết, việc xây dựng Nghị quyết bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và khung khổ pháp luật , phù hợp chủ trương định hướng của Đảng, Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM và việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền TPHCM.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp ở Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể.
Cơ chế, chính sách đặc thù thí điểm cho TPHCM phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại; đồng thời, phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của Thành phố.
Thí điểm phân cấp, phân quyền mạnh cho TPHCM
Theo nội dung dự thảo Nghị quyết, Chính phủ trình Quốc hội quy định cho TPHCM được thí điểm áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
Về quản lý đất đai, thí điểm giao cho HĐND TPHCM quyết định: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên nhưng phải đảm bảo diện tích đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất.
Nội dung này theo quy định tại Điều 58 của Luật đất đai năm 2013, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời quy định trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên được thực hiện như đối với trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha.
Nội dung này theo quy định tại Điều 8 của Luật đầu tư công, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời quy định về trình tự, thủ tục quyết định thực hiện như đối với dự án nhóm B đã giao cho Thành phố thực hiện, nhưng bổ sung thêm điều kiện phải có báo cáo tiền khả thi.
Về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, giao cho TPHCM được thực hiện thí điểm đối với Luật thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác (trừ thu từ hoạt động xuất nhập khẩu); tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới.
Đồng thời quy định UBND thành phố phải lập đề án để trình HĐND thành phố xem xét báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định. Các khoản thu tăng thêm do điều chỉnh chính sách thu trên, ngân sách thành phố được hưởng 100% và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách Thành phố.
HĐND TPHCM, căn cứ vào tình hình thực tế của Thành phố, quyết định dự toán ngân sách thành phố, phân bổ ngân sách cấp mình bảo đảm phù hợp với các định hướng phát triển các lĩnh vực quan trọng của Chính phủ, Quốc hội.
Sau khi bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách an sinh xã hội theo quy định của cấp có thẩm quyền quyết định cho cả thời kỳ ổn định ngân sách, HĐND TPHCM được quyết định sử dụng nguồn tiền lương còn dư để thực hiện tăng chi đầu tư, mua sắm...
Cùng với đó, thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho Thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của TPHCM hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Chính phủ cũng nêu, theo quy định hiện hành mức dư nợ vay của TPHCM không quá 70% thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Việc tăng giới hạn mức dư nợ vay sẽ tạo điều kiện cho TPHCM có thêm dư địa huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển Thành phố.
Đồng thời, việc tăng giới hạn dư nợ vay vẫn được kiểm soát trong giới hạn cho phép, vì kết hợp với quy định tổng mức vay và bội chi ngân sách của TPHCM hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Hằng năm, Thành phố được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương tương ứng 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (phần còn lại sau khi thực hiện thưởng vượt thu theo quy định tại khoản 4 Điều 59 của Luật ngân sách nhà nước) và số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100% theo quy định tại điểm b, c, d, g, h, i, q khoản 1 Điều 35 Luật ngân sách nhà nước.
Ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sau khi đã khấu trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh).
“Theo quy định tại khoản k Điều 35 của Luật ngân sách nhà nước khoản thu trên ngân sách trung ương hưởng 100%. Nay dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách TPHCM được hưởng 50%, trừ thu tiền sử dụng đất gắn tài sản trên đất của các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh”, tờ trình nêu rõ.
Bên cạnh đó, ngân sách thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TPHCM quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu.
TPHCM sử dụng nguồn thu này và ngân sách thành phố để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối của Thành phố; ngân sách trung ương sẽ không bổ sung cho Thành phố 18.800 tỷ đồng từ nguồn thu cổ phần hóa để thực hiện các dự án này như dự kiến trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đối với các dự án đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương trên địa bàn Thành phố, cho phép Thành phố sử dụng ngân sách của mình, các nguồn lực tài chính hợp pháp khác của Thành phố, vay trong phạm vi quy định tại khoản 5 Điều này hoặc huy động theo phương thức đối tác công tư PPP để sớm hoàn thành dự án; ngân sách trung ương có trách nhiệm, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành hoặc kế hoạch đầu tư công trung hạn tiếp theo, hoàn trả cho Thành phố phần dự toán chi thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TPHCM quản lý, Chủ tịch UBND TPHCM được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện và Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch UBND TPHCM.
Đồng thời giao cho UBND thành phố quy định việc ủy quyền của chủ tịch UBND quận, huyện cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.
HĐND TPHCM quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của Thành phố. Việc thực hiện các quy định này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
UBND TPHCM được điều chỉnh tên gọi, chức năng, nhiệm vụ các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố, để phù hợp với đặc điểm của Thành phố.
Không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công
Đánh giá tác động của việc ban hành Nghị quyết này, Chính phủ cho rằng, các cơ chế, chính sách được đề xuất thí điểm cho Thành phố chủ yếu liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý đất đai; quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, thẩm quyền của các vấn đề này thuộc Thủ tướng Chính phủ, nay phân quyền cho Thành phố thực hiện. Đối với một số nội dung pháp luật hiện hành chưa quy định, trình Quốc hội cho phép Thành phố nghiên cứu, xây dựng để báo cáo Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cho thí điểm trên địa bàn Thành phố, đồng thời báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Chính phủ cũng cho rằng, về cơ chế tài chính – ngân sách, việc cho phép Thành phố nghiên cứu thí điểm chính sách thu mới hoặc điều chỉnh các chính sách thu hiện hành sẽ có tác động đến một số doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thành phố, nhưng yêu cầu vẫn phải đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông hàng hóa của thị trường cả nước; tập trung thu đối với hàng hóa, thu nhập phát sinh trên địa bàn TPHCM.
Việc thực hiện Nghị quyết có ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn.
Tuy nhiên, về tổng thể các ảnh hưởng này không lớn, cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công, trước mắt và trong trung hạn; không ảnh hưởng đến phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ và các địa phương (ngân sách trung ương giảm khoảng 20.000 tỷ đồng nguồn thu từ cổ phần hóa và thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước, nhưng đồng thời giảm 18.800 tỷ đồng bổ sung chi đầu tư của ngân sách trung ương cho Thành phố).
Cùng với đó, việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố như báo cáo ở trên sẽ giúp Thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư,... tạo động lực cho Thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.