Theo đó, tổng mức đầu tư mới được UBND TPHCM phê duyệt, làm căn cứ pháp lý trình HĐND TPHCM xem xét, ra nghị quyết bố trí vốn đối ứng từ ngân sách thành phố, tại kỳ họp cuối năm sắp tới đây. Còn phần vốn ODA của Nhật Bản - thành phố vay lại từ trung ương, UBND TPHCM sẽ đề xuất để Bộ Kế hoạch - Đầu tư bố trí.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, 3.400 tỷ đồng là tổng số tiền tiết kiệm được sau khi thành phố loại bỏ hết các yếu tố, các khoản không cần thiết và từ khâu đấu giá, đấu thầu. Mặc dù, tổng vốn đầu tư giảm nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Theo kế hoạch, tuyến metro số 1 dự định thực hiện trong 5 năm nhưng nay kéo dài gần 10 năm trong điều kiện chưa có một cơ sở pháp lý gì rõ ràng, chưa có cơ sở thực tiễn để triển khai dự án metro, nên trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về mặc pháp luật… Ví dụ, ngay cả làm nghiên cứu điều chỉnh về thiết kế kỹ thuật để điều chỉnh tổng mức đầu tư thì khối lượng các chi tiết kỹ thuật tính đến cả trăm ngàn chứ không phải một vài chi tiết.
Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP, TP đã phối hợp rất tốt với Bộ Kế hoạch- Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính đến giờ này mọi thứ đã hoàn thành. Đến thời điểm này, đã hoàn tất điều chỉnh thiết kế kỹ thuật và điều chỉnh tổng vốn đầu tư cho cả 2 tuyến metro số 1 và 2, về cơ bản không vượt tổng mức đầu tư theo quy định của Quốc hội: tuyến số 1 là 47.000 tỷ đồng, tuyến số 2 là 48.000 tỷ đồng. Từ cơ sở này, UBND TPHCM đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tuyến metro số 1, 2.
Dự kiến năm tới, đầu máy, toa xe sẽ về, trung tâm quản lý toàn bộ bằng công nghệ, phải đào tạo đội ngũ lái xe, nhân viên trên tàu để vận hành. Nói chung, năm 2020 có rất nhiều việc phải làm, trên tinh thần cố gắng làm sao đưa Công ty Đường sắt TPHCM đi vào hoạt động sớm.
Hiện nay công ty đã thành lập, có bộ máy, đang tuyển dụng nhân viên để đưa đi đào tạo, đã bố trí vốn, để tổ chức vận hành tuyến metro vào năm 2021.
Dự án tuyến metro số 1 (dài gần 20km) được UBND TPHCM phê duyệt năm 2007, tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng. Đến năm 2010, số vốn đầu tư được phê duyệt lại là 47.000 tỷ do điều chỉnh thiết kế, tỷ giá đồng Yen Nhật thay đổi... nhưng chưa được thông qua.
Quốc hội sau đó cho phép TPHCM phê duyệt lại tổng mức đầu tư trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành trung ương.
Hiện, dự án này đạt khoảng 70% khối lượng và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2021.
Về tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương), Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, dự kiến tổng mức đầu tư là 48.000 tỷ đồng như hướng dẫn của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính. Dự án hiện mới xây dựng tòa nhà điều hành và phải xin lùi thời gian hoàn thành từ năm 2024 đến năm 2026 vì thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa xong.
Về nguyên tắc, sau khi UBND TP ký quyết định điều chỉnh vốn 2 dự án metro thì trung ương sẽ chi tiền. Nhưng thủ tục chuyển tiền, thanh toán còn nhiều bước phức tạp, cần có thêm thời gian nên có thể đến tháng 3, 4 năm 2020 thành phố mới nhận được.
Theo đó, thành phố đã chủ động tính toán tạm ứng tiếp 1.700 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà đầu tư, đơn vị thi công và người lao động tiếp tục làm việc.
Đường xuyên suốt chạy dọc bờ sông Sài Gòn không khả thi Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đã trả lời các cơ quan truyền thông về vấn đề lấn chiếm bờ sông Sài Gòn. Theo đó, có những dự án đã xảy ra cách nay từ 10-15 năm, đã thực hiện xong, trong khi mép bờ cao hoặc hành lang bảo vệ bờ sông sau này mới có quy định (năm 2004); quy định sau này có khi còn lớn hơn quy định trước đây mà Kiến trúc sư trưởng đã cho phép (nay là Sở Quy hoạch- Kiến trúc). Trước tình hình đó, TP sẽ xử lý như thế nào? Dự án đã làm rồi theo đúng quy định của Kiến trúc sư trưởng thì bây giờ được tồn tại, còn những dự án làm sau này theo mép bờ cao mà TP đã phê duyệt (năm 2004) thì phải tuân theo đúng quy định được duyệt. Trong trường hợp không tuân thủ buộc phải tháo dỡ. Đối với dự án đã có trước đây, phải be bờ kè lại, bảo đảm không sạt lở và lấn chiếm thêm… Về tình trạng lập barie chắn lối đi xuống bờ sông như báo chí phản ánh, TP sẽ tổ chức kiểm tra và tiến hành tháo dỡ toàn bộ. Sắp tới TP sẽ có chủ trương mở rộng mép bờ cao và quản lý trật tự ở mép bờ sông, trên tinh thần dự án nhà nước phải làm thì làm để giữ, còn chưa làm thì nhà nước tiến hành tổ chức quản lý bằng cách trồng cây xanh và xác định ranh, cần thiết giao cho người dân khu vực đó quản lý và không được phép xâm phạm. Về việc muốn xây dựng tuyến đường ven sông, có thể mong muốn tuyến đường xuyên suốt nhưng trước thực tế như vậy phải quy hoạch lại, có thể có những đoạn đường bị cắt quãng. Bởi vì quản lý nhà nước đi sau, quản lý nhà nước phải thừa nhận sự tồn tại trước đó. Vì vậy con đường xuyên suốt chạy dọc bờ sông là mong muốn nhưng không khả thi. Nên nhớ rằng sông Sài Gòn và sông Đồng Nai và các con đường ven sông ở TP này còn rất nhiều, rất dài, chứ không phải chỉ có một vài đoạn. |