Theo bà Nikki Traylor-Knowles, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về san hô của Đại học Miami (Florida), các rạn san hô đang chết ở mức báo động do lượng khí thải nhà kính mà đại dương hấp thu.
Nghiên cứu do tổ chức bảo tồn thiên nhiên Revive & Restore, có trụ sở gần San Francisco, hỗ trợ tài chính. Tổ chức này xem kỹ thuật di truyền là một công cụ có giá trị để cứu thực vật và động vật khỏi diệt vong trước tình trạng biến đổi khí hậu. Với san hô, tình hình đặc biệt cấp bách vì các đại dương hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng từ khí thải nhà kính, giúp giảm nhiệt độ trên bề mặt Trái đất nhưng lại tạo ra những đợt sóng nhiệt khổng lồ kéo dài trong lòng đại dương. Điều này đang đẩy nhiều loài san hô - thường được mệnh danh là “rừng nhiệt đới của đại dương” - vượt qua giới hạn chịu đựng của chúng.
Theo một cuộc khảo sát của Mạng lưới giám sát rạn san hô toàn cầu, cùng với ô nhiễm và đánh bắt cá bằng chất nổ, sự nóng lên toàn cầu đã xóa sổ 14% rạn san hô trên thế giới từ năm 2009 đến 2018.
Theo các nhà khoa học, sử dụng kỹ thuật gene cũng có thể gây quan ngại vì khả năng gây dị dạng một loài thực vật hoặc động vật. Tuy nhiên, việc cứu các loài sinh vật, trong đó có san hô, khỏi sự hủy diệt của biến đổi khí hậu cấp bách hơn vì không còn cách nào khác. Hơn nữa, yếu tố rủi ro này rất thấp.