Phân biệt hưu trí, không hưu trí
Chính sách đối với NCT mà nhiều NCT bức xúc nhất hiện nay là quy định chỉ những người 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng mới được hưởng trợ cấp xã hội (mức hiện tại 380.000 đồng/người/tháng). Toàn TPHCM hiện có hơn 80.000 người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, không trợ cấp BHXH hàng tháng, được nhận trợ cấp này. Bà Nguyễn Lệ Hằng, Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Nhà Bè, cho rằng, quy định như vậy là không công bằng với hưu trí.
Bà Nguyễn Lệ Hằng phân tích, lương hưu hay trợ cấp BHXH là trước đó người lao động đã cả đời làm lụng, hàng tháng bớt tiền lương của mình để đóng BHXH suốt mấy chục năm. Về già, người lao động hết tuổi lao động được hưởng chính phần mình đã đóng theo nguyên tắc có đóng - có hưởng của BHXH và đó là quyền lợi riêng của cá nhân. Trong khi đó, trợ cấp xã hội đối với người từ 80 tuổi trở lên là thể hiện sự trân trọng, quan tâm của Nhà nước với NCT. Không thể vì có lương hưu mà không được nhận sự quan tâm, trân trọng đó. Bản chất 2 chính sách là rất khác nhau. “Tôi đề nghị tất cả những NCT từ 80 tuổi trở lên đều được nhận trợ cấp. Không nên phân biệt hưu trí hay không hưu trí”, bà Nguyễn Lệ Hằng đề nghị.
Cùng suy nghĩ này, bà Nguyễn Thị Nguyệt (83 tuổi, phường Cô Giang, quận 1) cũng đánh giá, việc phân biệt hưu trí với không hưu trí là không công bằng và dẫn đến nhiều tâm tư đối với NCT. Bà Nguyệt đề nghị, Luật NCT cần bổ sung quy định tất cả người 80 tuổi trở lên được nhận tiền NCT để động viên, vui vẻ tuổi già. Đồng thời cần xem xét hạ độ tuổi NCT hưởng trợ cấp hàng tháng từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi để NCT có điều kiện thụ hưởng chính sách.
Sự không công bằng còn thể hiện ở việc trả chế độ thù lao đối với người làm phó chủ tịch Hội NCT xã, phường, thị trấn. Hiện nay, chỉ những ai là hưu trí giữ chức danh này mới được hưởng chế độ thù lao (hệ số 1,35; tương đương 2 triệu đồng/người/tháng), còn người không hưu trí làm công việc này thì lại không được hưởng. Huyện Nhà Bè có 7 xã, thị trấn với 7 phó chủ tịch Hội NCT cơ sở thì chỉ có 2 người được nhận thù lao, 5 người khác không phải là hưu trí làm nhưng không có thù lao. Trưởng đại diện Hội NCT ở các quận huyện cùng đề nghị cần phải có thù lao đối với người làm phó chủ tịch Hội NCT ở cơ sở, dù hưu trí hay không hưu trí.
Chậm trễ chúc thọ
Vấn đề thiết thân mà NCT quan tâm là việc chúc thọ, mừng thọ. Tuy nhiên, các bậc cao niên phản ánh việc này diễn ra quá chậm. Bà Trần Thị Nghì, Trưởng ban Đại diện Hội NCT quận Gò Vấp, phản ánh, thay vì được nhận từ đầu năm thì mãi đến tháng 10-2020, các cụ 100 tuổi mới nhận được giấy chúc thọ.
“Khi giấy chúc thọ 100 tuổi trao đến thì một số cụ đã qua đời, không còn được chứng kiến nữa. Việc trao giấy chúc thọ như vậy quá chậm trễ”, bà Trần Thị Nghì bức xúc.
Tại huyện Nhà Bè có 15 cụ tròn 100 tuổi và trên 100 tuổi, nhưng có 6 cụ đã qua đời trước khi nhận được giấy chúc thọ. Tương tự, tại quận Tân Bình, nhiều NCT chờ quá lâu đến mức không chờ được nữa. “Tại sao lại làm chậm như thế? Cần xem lại trách nhiệm của từng cấp trong việc chậm trễ này”, ông Đặng Văn Nghê, Trưởng ban Đại diện Hội NCT quận Tân Bình, yêu cầu.
Để thể hiện sự kính lão và trân trọng trong việc chúc thọ, các bậc cao tuổi tại nhiều quận huyện đề nghị nên chia làm các đợt chúc thọ cho NCT trong năm vào dịp tết cổ truyền, Ngày NCT Việt Nam 6-6, Ngày Quốc tế NCT 1-10. Trong đó cần ưu tiên chúc thọ sớm nhất đối với NCT nhất (từ 100 tuổi trở lên), vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm này vừa thể hiện sự trân trọng, vừa phù hợp với văn hóa mừng tuổi đầu năm của người Việt Nam. Dịp 6-6 chúc thọ các bậc 90 tuổi và dịp 1-10 chúc thọ những NCT khác.
TPHCM đang thực hiện miễn vé xe buýt đối với người từ đủ 70 tuổi trở lên. Nhiều NCT phản ánh, đang có rất ít NCT được thụ hưởng chính sách này. Vừa qua, thành phố còn yêu cầu lập danh sách để làm thẻ đi xe buýt miễn phí, thủ tục phức tạp. Chia sẻ với bức xúc này, ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở GTVT TPHCM, cho hay, người từ 70 tuổi tuổi lên được miễn vé khi đi 106 tuyến xe buýt có trợ giá. NCT chỉ cần xuất trình một trong các giấy tờ chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, thẻ hội viên Hội NCT có hình ảnh và năm sinh, giấy tờ có ảnh chứng minh đúng độ tuổi quy định là được đi xe buýt miễn phí. Một số NCT lo ngại việc mang giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân đi đường nếu bị rớt thì mất công làm lại nên Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cấp thẻ đi xe buýt miễn phí để sử dụng thuận tiện hơn. Thẻ này không bắt buộc, NCT có thể mang bất kỳ giấy tờ nào có hình ảnh, năm sinh của mình để sử dụng là được.
Liên quan đến việc phân biệt giữa NCT có lương hưu và người không có lương hưu, bà Nguyễn Thành Phụng, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB-XH TPHCM, phản hồi, sở đã tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Trung ương nghiên cứu, xem xét cho tất cả người đủ 80 tuổi trở lên đều được hưởng trợ cấp xã hội theo Luật NCT. TPHCM cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét hạ độ tuổi NCT hưởng trợ cấp xã hội; nâng mức trợ cấp lên, vì mức 380.000 đồng/người/tháng hiện nay là quá thấp. |
Chăm sóc người cao tuổi - vấn đề của xã hộiVấn đề chăm sóc người cao tuổi (NCT) trở nên bức thiết trong bối cảnh tiến trình lão hóa dân số, số lượng NCT ở TPHCM đang ngày càng nhiều. Mức sinh thấp, tuổi thọ cao góp phần tăng nhanh số lượng NCT. Trong tương lai gần, việc chăm sóc NCT trở thành một vấn đề xã hội, chứ không chỉ là việc gia đình. Theo Luật NCT, có 4 loại hình chăm sóc NCT, nhưng hiện nay chăm sóc tại gia đình NCT chiếm đại đa số; ở TPHCM là trên 99,5%. Số NCT được chăm sóc trong các cơ sở tập trung chiếm tỷ lệ rất thấp, ít hơn 0,5% số NCT toàn thành phố, chủ yếu là NCT neo đơn, không nơi nương tựa hoặc diện chính sách. Nói cách khác, mô hình chăm sóc NCT hiện nay chủ yếu là gia đình, đa số NCT mong muốn gắn bó, liên kết chặt chẽ với gia đình, người thân. Tuy nhiên, nguồn lực chăm sóc của gia đình có chiều hướng suy giảm vì sự phát triển gia đình hạt nhân và nhu cầu tham gia thị trường lao động xã hội. Kỹ năng của người thân chăm sóc NCT tại gia đình cũng chưa được hướng dẫn. Thậm chí, nhiều gia đình “sốc” khi cha mẹ bước sang tuổi già, tâm tính thay đổi. Thực tế một bộ phận không nhỏ, có thể trên 60%, là những NCT không được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, thậm chí phải bươn chải với cuộc sống thường ngày. Trong bối cảnh đó, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc NCT chưa đáp ứng nhu cầu. Gia đình muốn sử dụng dịch vụ chăm sóc cho NCT nhưng không biết tư vấn ở đâu, chọn dịch vụ nào thích hợp với khả năng kinh tế và chất lượng an toàn. Nguồn nhân lực chăm sóc NCT còn rất thiếu và yếu, chưa hình thành một ngành nghề chuyên biệt. Không gian sống trong gia đình và không gian sinh hoạt xã hội chưa được thân thiện với NCT. Để ứng phó kịp thời, hướng tới một hệ thống an sinh xã hội tốt hơn cho NCT tại TPHCM, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ từ ý thức tự vươn lên của NCT, đến việc thay đổi hành vi nhận thức cho một xã hội đang “già hóa”. TPHCM cần có “Bản đồ người cao tuổi tại TPHCM”, bộ dữ liệu về NCT, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp hướng dẫn thực tế và chi tiết nhất cho mỗi gia đình có thể chăm sóc NCT tốt nhất. Cần tiên lượng để chăm sóc NCT, nhất là NCT mắc bệnh mãn tính, thậm chí nhiều bệnh cùng lúc. Ngoài ra, khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất ngành y tế và thiết lập thị trường dịch vụ, tiến tới mô hình chăm sóc sức khỏe NCT hoàn thiện hơn. Mục tiêu về một thành phố có mạng lưới chăm sóc NCT chất lượng, chuyên nghiệp còn khá xa. Trước mắt, TPHCM cần một mô hình chăm sóc NCT phù hợp. Để đảm bảo chất lượng cuộc sống cơ bản của NCT, TPHCM cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân có chương trình chăm sóc NCT, đặc biệt là NCT cô đơn; xây dựng các hình thức nhằm khuyến khích NCT dành dụm, tiết kiệm tiền cho tuổi già, phát huy vai trò NCT trong các hoạt động xã hội. LÊ VĂN THÀNH, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM |