Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam hiện có 1.015 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.
“Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận xét.
Trước đó, sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận trong bối cảnh sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hóa đã và đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội của các quốc gia. Việt Nam nằm trong số 142 quốc gia tham gia sáng kiến này.
Chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp FDI được xem là một trong những công cụ hiệu quả nhằm thu hút đầu tư của Việt Nam trong nhiều năm qua. Song, công cụ này sẽ không còn ý nghĩa khi sáng kiến về thuế tối thiểu toàn cầu được nhiều nước thực thi vào năm sau (2024) mà Việt Nam tham gia.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bình quân áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia ở Việt Nam hiện chỉ ở ngưỡng 12,3%, thậm chí một số tập đoàn đa quốc gia lớn hiện được hưởng thuế suất ưu đãi chỉ 2,75 - 5,95%, thấp nhiều so với quy định chung (tối thiểu 15%).
Do đó, thời gian tới Việt Nam sẽ phải sửa đổi 3 đạo luật là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và các quy định có liên quan cho phù hợp với quy định quốc tế.