Do đó, để nhà giáo an tâm và tận hiến cho nghề thì cần thực hiện đúng như Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị, đó là “thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp...”.
Gần 20 năm dạy học và gần 20 năm quản lý ngành giáo dục của TPHCM, tôi cũng như các thế hệ nhà giáo trước đây và hiện nay đều nhận thức rõ Đảng, Nhà nước luôn xem “giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Và dự thảo Luật Nhà giáo ra đời để luật hóa những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của nhà giáo là cần thiết hơn bao giờ hết. Điều này cũng khẳng định truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam từ xưa cho tới nay.
Có thể nói, hiện nay, chính sách miễn học phí và cấp thêm sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm là những giải pháp của Nhà nước để thu hút người giỏi theo ngành giáo dục. Và lẽ đương nhiên, người thầy giỏi sẽ đào tạo ra những thế hệ học trò giỏi, những cử nhân, kỹ sư và những nhà khoa học giỏi phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Chắc hẳn đề xuất của Ban soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo khi đưa ra đề xuất chi hơn 9.200 tỷ đồng để miễn học phí cho con của nhà giáo cũng không nằm ngoài mong muốn chia sẻ, giúp nhà giáo đỡ khó khăn để an tâm phục vụ cho sự nghiệp trồng người.
Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tiễn là một khoảng cách rất lớn. Thực tế, để đất nước phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội thì không chỉ có ngành giáo dục mà tất cả những ngành nghề, lĩnh vực khác đều có sự đóng góp vì mục tiêu của quốc gia. Vì vậy, chưa nói đến con số hơn 9.200 tỷ đồng trích từ đâu để thực hiện, thì đề xuất trên của Ban soạn thảo là chưa thật sự hợp tình hợp lý. Mọi ngành nghề đều có đóng góp như nhau cho đất nước thì quyền lợi cũng phải được như nhau, vì đây là chính sách của Nhà nước. Ban soạn thảo nên thận trọng xem xét lại đề xuất này một cách cầu thị và thận trọng.
Theo đề xuất của tôi, nếu đã miễn học phí thì nên miễn học phí cho tất cả con em của những người làm ngành nghề khác. Riêng với nhà giáo, Ban soạn thảo nên đề xuất và chứng minh những cơ sở khoa học để “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp” như Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã yêu cầu.
Bộ GD-ĐT sẽ đánh giá kỹ đề xuất về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất quy định đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù.
Với quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó sẽ một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp của nhà giáo để thu hút người giỏi vào ngành, Ban soạn thảo đã đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo. Trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ GD-ĐT luôn luôn cầu thị, nghiêm túc lắng nghe các ý kiến góp ý, phản biện của các đại biểu Quốc hội, của các nhà giáo và cử tri và nhân dân cả nước để điều chỉnh kịp thời nếu đủ căn cứ.
PHAN THẢO
Dự thảo Luật Nhà giáo có nêu nghề giáo là nghề đặc biệt, nghề đặc thù; và trong các buổi góp ý xây dựng dự thảo cũng có nhiều ý kiến yêu cầu Ban soạn thảo chứng minh nghề đặc biệt, đặc thù là như thế nào. Nhưng tôi thấy vấn đề này chưa nói rõ để xã hội hiểu nhiều hơn (chỉ những người trong nghề mới hiểu, người ngoài nghề thì chỉ nghĩ là đi dạy, đứng lớp, soạn bài). Theo tôi, nói rằng nghề giáo là nghề đặc biệt, vì nhà giáo không chỉ dạy, truyền đạt kiến thức mà họ còn phải luôn học hỏi, cập nhật nâng cao kiến thức để truyền thụ cho học trò. Họ còn phải biết nắm bắt tâm sinh lý của từng học trò, khả năng học của từng em để chọn cách dạy cho phù hợp. Ví dụ, cùng dạy môn toán cho 3 lớp cùng khối, ngoài kiến thức cơ bản phải đảm bảo, ở mỗi lớp, giáo viên phải tính trước lớp nào nên tăng tính nâng cao, lớp nào cần bổ sung kiến thức. Với người làm công tác chủ nhiệm thì phải quan tâm đến từng học sinh, em này tại sao nghỉ học, tại sao học sa sút... Nếu đồng lương không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình thì bắt buộc giáo viên sau khi dạy xong phải làm thêm những việc khác để có thêm thu nhập. Nếu có mức lương cao, họ sẽ dành thời gian làm thêm để đọc, nghiên cứu tài liệu, nâng chất bài giảng, quan tâm đến từng học trò; khi đó chất lượng từng tiết dạy sẽ tăng lên, học trò hứng thú tiếp thu, có thêm nhiều học sinh giỏi và tất nhiên cả phụ huynh, nhà trường, người thầy đều hạnh phúc.
Do đó, nếu cho tôi được chọn, tôi sẽ chọn giải pháp tăng lương và các chế độ phụ cấp cho nhà giáo. Đây là giải pháp quốc sách cho nhà giáo để họ yên tâm và tận hiến cho nghề. Và đương nhiên, để thực hiện việc này, cần quyết tâm rất lớn từ Chính phủ.
TS LÊ ĐÔNG PHƯƠNG, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Cách nào để tôn vinh người thầy?
Nếu miễn học phí cho con giáo viên thì nhóm nào sẽ được hưởng nhiều nhất? Đó sẽ là những giáo viên có con theo học đại học - cấp học có mức học phí khá cao so với thu nhập chung của xã hội, và đó cũng là những nhà giáo đã có một thời gian kha khá làm việc trong ngành giáo dục, lương cũng tạm ổn. Câu hỏi của xã hội mấy hôm nay là: “Còn bao người khác có khó khăn, sao không miễn học phí cho con họ?”.
Nếu chủ trương này được triển khai ngay năm nay thì khoản ngân sách đó, sẽ ứng với hơn 3% tổng chi thường xuyên cho giáo dục năm 2022, hay bằng một nửa số chi cho giáo dục đại học? Câu hỏi lại đặt ra là, trong khi các trường đại học đang than khó, thiếu kinh phí đến mức phải tăng học phí ở mức đáng kể thì tại sao lại ra chính sách miễn học phí cho con của người trong ngành? Có phải là chính sách luẩn quẩn không, miễn học phí cho một số người để rồi lại phải tăng học phí đối với người khác.
Thà rằng Chính phủ để ra mỗi năm vài ngàn tỷ đồng lập Quỹ tín dụng sinh viên, ai muốn vay để học đại học thì vay, tốt nghiệp đi làm rồi trả lại tiền vay, tiền đó lại tiếp tục được cho các thế hệ sinh viên sau vay để ăn học tiếp. Như vậy sẽ không có ai phàn nàn bị phân biệt đối xử, và người học sẽ trân trọng hơn khi chọn nghề giáo.
ThS LÊ MINH TIẾN, Trường Đại học Mở TPHCM: Chính sách cho nhà giáo cần hợp lý và hướng đến mọi nhà giáo
Nhìn chung, các chính sách liên quan đến thu nhập của nhà giáo đều được ưu đãi nhiều hơn vì một lý do rất quan trọng: nó sẽ giúp cho ngành giáo dục thu hút được nguồn nhân lực có chất lượng cao, bởi vì khi chọn lựa nghề nghiệp, người ta đều nhìn vào khả năng mang lại thu nhập của nghề ấy. Nếu nghề giáo có mức thu nhập tốt thì nhiều người giỏi sẽ đầu quân cho lĩnh vực giáo dục, và điều này dĩ nhiên sẽ tạo ra một nền giáo dục có chất lượng cao. Do đó, việc Bộ GD-ĐT đưa ra đề xuất chi để miễn học phí cho con nhà giáo cũng là điều có thể hiểu được.
Tuy nhiên, đề xuất này có lẽ chưa phải là một đề xuất hợp lý. Thứ nhất, nếu thực thi chính sách này thì nó sẽ không đến được với mọi giáo viên vì không phải giáo viên nào cũng có con đang trong độ tuổi đi học để được hưởng chính sách trên. Thứ hai, chính sách này nếu được thông qua cũng không đến được với các giáo viên đang công tác tại các trường ngoài công lập. Đây chính là những điều khiến cho đề xuất khó được thông qua, bởi nó không đến được với mọi người đang làm nghề giáo, mà chính sách dành cho nghề giáo thì bắt buộc phải tác động đến tất cả mọi người đang làm nghề này.
Như vậy, có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu Bộ GD-ĐT đề xuất các chính sách liên quan đến việc cải thiện thu nhập cho nghề giáo và có tác động đến toàn bộ người đang làm nghề này hơn là một chính sách chỉ tác động đến một bộ phận làm nghề giáo mà thôi.
THANH HÙNG ghi