Nghị quyết 115 đặt ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Nghị quyết nêu 7 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT, bao gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách; đảm bảo và huy động hiệu quả nguồn lực phát triển CNHT; giải pháp về tài chính, tín dụng; phát triển chuỗi giá trị trong nước; phát triển và bảo vệ thị trường; nâng cao năng lực doanh nghiệp CNHT; thông tin truyền thông, thống kê và cơ sở dữ liệu. Nhóm giải pháp này đã được rà soát, tham vấn kỹ lưỡng về tính khả thi và hiệu quả dựa trên cơ sở ý kiến của các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị liên quan.
Đáng nói là Nghị quyết 115 vừa ra đời đã bộc lộ bất cập. Đơn cử, Nghị quyết 115 có đề cập đến những chính sách mới về ưu đãi vốn, như cấp bù lãi suất… nhưng khi tiếp cận thì khó đi vào cuộc sống. Bởi nghị quyết đưa ra chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp CNHT, nhưng chỉ cho những dự án từ sau năm 2015. Trong khi những dự án khởi sự sau năm 2015 hiện rất ít. Do đó, chính sách này chưa chạm được đến số đông doanh nghiệp công nghiệp chế tạo, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trước năm 2015.
Có thể thấy, Nghị quyết 115 là cơ sở, tiền đề cho các bộ, ngành nghiên cứu, đưa ra các chính sách cụ thể giải quyết các vấn đề nội tại, thúc đẩy phát triển CNHT thời gian tới. Một chính sách tốt phải đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, các quy định cần khả thi hơn, có thể ước lượng được sự tác động, đóng góp tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp, không nên gói gọn ở một vài đối tượng, đặc biệt là CNHT - được xem là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế.