Chính sách tiền tệ phải căn cứ vào nhiều mục tiêu

Ngày 16-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe các báo cáo và cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, bao gồm cả việc đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế mới đạt 4,24%, tạo áp lực lớn đối với việc đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%. Bình quân 3 năm 2021-2023 ước tăng trưởng GDP đạt 5,17%-5,5%, thấp hơn bình quân 3 năm 2016-2018 (7,03%). Áp lực đặt ra không chỉ với năm 2023 mà đối với các năm còn lại trong giai đoạn 2021-2025 là tương đối nặng nề, đòi hỏi nỗ lực rất lớn, quyết tâm cao của các ngành, các cấp. Cơ quan thẩm tra đồng tình với nhiều nhận định của Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ảnh: VIẾT CHUNG
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp Ảnh: VIẾT CHUNG

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý, không chỉ có GDP mà việc hoàn thành một số chỉ tiêu quan trọng khác (lạm phát, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và nhất là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội…) cũng đều không dễ dàng.

Ông Vũ Hồng Thanh nêu nhận định, thu ngân sách nhà nước thường xuyên vượt so với dự toán, phản ánh chất lượng xây dựng dự toán thấp, làm bó hẹp không gian tài khóa và ảnh hưởng đến dự toán thu của năm tiếp theo; đây là vấn đề tồn tại trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Một hạn chế khác, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, là việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát đã khiến lãi suất “neo” cao, đặc biệt là cuối năm 2022, đầu năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn. Việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm là những bất cập trong công tác điều hành cần rút kinh nghiệm.

Cũng có ý kiến cho rằng số vốn đầu tư công chậm giải ngân tồn đọng gửi tại các tổ chức tín dụng và tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng thấp, lạm phát thấp, lãi suất cao là những nghịch lý, thể hiện sự bất cập trong công tác điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Phát biểu tiếp thu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, báo cáo thẩm tra đã đánh giá toàn diện, chỉ rõ mặt được, mặt cần lưu ý để NHNN điều hành tốt hơn chính sách tiền tệ 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nữ Thống đốc cung cấp thêm thông tin, vốn tín dụng tới 21-9 chỉ tăng 5,9%, nhưng tới hết tháng 9 tăng gần 7%; dự báo từ nay tới cuối năm tiếp tục tăng mạnh.

Theo Thống đốc, nửa cuối năm 2022, khi nhiều nước có mặt bằng lãi suất cao, dự báo năm 2022 có thể kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội nên những tháng đầu năm, NHNN vẫn giữ nguyên lãi suất điều hành. Nhưng tới tháng 10, sự kiện rút tiền hàng loạt của SCB xảy ra, NHNN tập trung ưu tiên đảm bảo an toàn, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Tới tháng 11, thanh khoản cải thiện dần nên đầu tháng 12, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Trong điều hành lãi suất cũng như sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ, theo Thống đốc, phải căn cứ vào nhiều mục tiêu, không thể “hy sinh nhiệm vụ nào”.

Liên quan tới xử lý ngân hàng yếu kém, theo Thống đốc NHNN, đây là việc khó, cần thời gian. “Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước ở giai đoạn nửa nhiệm kỳ, việc cơ cấu lại và xử lý các ngân hàng yếu kém đang trong giai đoạn hoàn tất”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Chia sẻ về quan điểm điều hành lĩnh vực tài chính - tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu: “Mục tiêu cuối cùng vẫn phải củng cố nền tảng, vì một trong những trọng tâm của tái cơ cấu là tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ, nâng cao sức cạnh tranh, có thể chống được va đập của các cú sốc bên trong, bên ngoài. Đây là nhiệm vụ không thể không lưu tâm, nhất là trong điều kiện nền kinh tế độ mở lớn, thế giới thì biến động mạnh”.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên tắc quan trọng cần đảm bảo là không hạ chuẩn tín dụng. Hạ chuẩn giải quyết được “cơn khát vốn” trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ để lại hệ lụy khó lường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ 1-7-2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Việc điều chỉnh tiền lương gắn với nâng cao trách nhiệm và chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ công chức; đây là yếu tố hết sức quan trọng thúc đẩy cải thiện năng suất lao động xã hội. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm bổ sung: “Việc cải cách tiền lương phải đảm bảo thu nhập cho cán bộ cơ sở, làm sao cán bộ cơ sở thu nhập tương xứng với nhiệm vụ. Tránh có nơi thu nhập cao hơn, chỗ thu nhập thấp hơn nhưng nhiệm vụ thực hiện như nhau”.

Tin cùng chuyên mục