Nguyên tắc cơ bản xuyên suốt trong hoạch định và thực thi CSTK - CSTT 2022 sẽ là nới lỏng đến mức cao nhất có thể để kích thích 3 trụ cột của tăng trưởng GDP: đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng; thông qua thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng: khu vực nhà nước, khu vực tư nhân và có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò động lực quan trọng nhất.
2022 là năm thứ 2 của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% đi đôi với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Đây là điều không đơn giản khi 2 năm 2020 và 2021 Việt Nam đã tăng trưởng ở mức quá thấp do tác động của Covid-19. Dự báo Covid-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm 2022, theo đó Việt Nam vừa phải thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, vừa phải ngăn chặn có hiệu quả đại dịch và giảm thiểu tác hại do dịch bệnh gây ra cho cả nền kinh tế cũng như đời sống xã hội, đảm bảo an ninh kinh tế - tài chính và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đã được Quốc hội thông qua, tổng thu 1.411.700 tỷ đồng và tổng chi 1.784.600 tỷ đồng, do đó thâm hụt NS 372.900 tỷ đồng, tương đương 4% GDP. Trong khi đó CSTK trong dự toán NSNN 2022 chưa thể hiện rõ nét nguyên tắc cơ bản để bù đắp. Vẫn biết tổng thu NSNN năm 2022 tương đương 15,1% GDP thấp hơn so với mức 15,6% GDP trong dự toán thu 2021, và thấp hơn nhiều so với dự toán thu tới 22,2% GDP 2020, nên việc giảm chi là hợp lý. Song điều cần lưu ý trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, sức mua và thu nhập đại bộ phận dân cư suy giảm từ năm 2021; còn chính sách giảm thu NSNN thông qua cắt giảm thuế phí, đặc biệt thuế gián thu như thuế GTGT hay thuế bảo vệ môi trường, thực ra sẽ có tác động kích thích tiêu dùng, tạo thị trường tiêu thụ cho sản xuất trong nước, góp phần kiềm chế nguy cơ lạm phát do giá nhập khẩu tăng cao.
CPI và lạm phát cơ bản quá thấp như năm 2021 là thất bại, không phải là thành công của CSTT. Do vậy giảm lãi suất và giảm giá VNĐ so với USD và các ngoại tệ mạnh khác phải là xu thế chủ đạo của CSTT 2022. |
Chỉ cần thuế GTGT giảm 2% trên dự toán thu 351.513 tỷ đồng năm 2022, sẽ tác động lan tỏa tới thị trường tiêu dùng mạnh hơn gấp nhiều lần chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN (TNDN). Theo đó, tổng thu NSNN nên giảm còn 14-14,5% GDP thông qua một số chính sách miễn giảm thuế, phí, thay vì chỉ giãn hoãn thuế TNDN và tiền thuê đất như đã thực hiện trong 2020 và 2021. Hơn nữa, thu NSNN năm 2021 đã vượt dự toán chỉ sau 11 tháng, càng chứng tỏ gánh nặng thuế phí đối với nền kinh tế không giảm mà tăng lên, bất chấp tăng trưởng kinh tế thấp xa so với kỳ vọng và mỗi tháng có hàng vạn DN giải thể. Bên cạnh đó, dự toán thu 2022 từ xuất nhập khẩu lại tăng tương ứng tới 11,5%, chứng tỏ chính sách thu NSNN vẫn chưa phản ánh tốt mục tiêu kích thích sản xuất trong nước, cũng như duy trì xuất khẩu như là trụ đỡ của nền kinh tế. Hơn nữa, thu từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước 2022 dự định gần 253.000 tỷ đồng, vẫn tăng 6,4% so với dự toán 2021.
Tương tự, chính sách chi NSNN thể hiện trong dự toán NSNN 2022 cũng cho thấy thiếu sự nới lỏng cần thiết để kích thích phục hồi kinh tế. Tổng chi NSNN dự tính 19,1% GDP, thấp hơn mức 19,6% GDP dự toán 2021 và thấp xa so 25,6% GDP dự toán 2020 - năm chưa tính đến tác động của đại dịch Covid-19. Do đó, để sớm phục hồi kinh tế đồng thời bổ sung nguồn lực kiểm soát dịch bệnh và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tổng chi NSNN phải tăng lên ít nhất 22% GDP. Trong chi NSNN, tăng chi đầu tư phát triển được ưu tiên hàng đầu vì đầu tư công, trong đó đầu tư từ NSNN giữ vị trí trọng yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh hay khủng hoảng. Dự toán chi đầu tư phát triển từ NSNN 2022 đã tăng 10,2% so với dự toán 2021 lên hơn 526.000 tỷ đồng, là phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nếu các dự án đầu tư từ NSNN khắc phục triệt để tình trạng lãng phí, thất thoát, chậm tiến độ và chậm giải ngân, có thể bổ sung phần lớn khoản tăng dự toán chi NSNN cho đầu tư công để sớm tạo ra cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, góp phần tích cực phục hồi kinh tế. Thêm vào đó, dù dự toán chi thường xuyên 2022 chỉ tăng 7,2% so với dự toán 2021, thậm chí thấp hơn dự toán 2020 tới 10% do chính sách tiết kiệm chi thường xuyên và tinh giản biên chế, song dự toán khoản chi cải cách tiền lương năm 2022 chỉ vỏn vẹn 1.000 tỷ đồng, là chưa phù hợp với yêu cầu nâng cao thu nhập và cải thiện sức mua của một bộ phận không nhỏ dân cư. Có như vậy mới vừa hỗ trợ họ vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, vừa có tác động lan tỏa tích cực tới tăng tổng cầu tiêu dùng trong nước.
Linh hoạt nới lỏng CSTK để CSTT bám theo
Do cả dự toán thu và chi NSNN năm 2022 đều chưa thể hiện cho CSTK nới lỏng rõ ràng nhằm phục hồi kinh tế - xã hội, nên thâm hụt NSNN vẫn ở mức 4% GDP, tương đương dự toán 2021 với mức thâm hụt dự kiến 372.900 tỷ đồng. Nếu quyết tâm nới lỏng CSTK, NSNN 2022 có thể bội chi 7-8% GDP - mức thâm hụt NS thực tế trong một số năm nền kinh tế đối mặt khủng hoảng. Việc tăng thâm hụt NSNN trong dự toán giúp quản lý và điều hành NSNN chủ động hơn, đồng thời rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa dự toán và quyết toán NSNN hàng năm. Mức thâm hụt NSNN cao hơn có thể được tài trợ bởi vay nợ, đặc biệt vay trong nước khi nguồn lực tài chính trong dân rất dồi dào, và nợ công đang ở dưới ngưỡng an toàn tương đối xa.
Các khoản dự toán chi trả nợ gốc và nợ lãi năm 2022 thấp xa so với dự toán 2020 và cả năm 2021, trong khi tổng mức vay của NSNN 2022 dự kiến 572.686 tỷ đồng, thấp hơn gần 6% so với dự toán 2021. Giả sử tăng gấp đôi bội chi NSNN 2022, tổng mức vay của NSNN sẽ khoảng 950.000 tỷ đồng, tương đương 10% GDP. Đây là phương án cần cân nhắc nếu gói kích thích kinh tế quy mô lớn và toàn diện được thiết kế và triển khai thực hiện trong năm 2022.
Như vậy CSTK nới lỏng mạnh mẽ trong năm 2022 sẽ là trụ cột thúc đẩy phục hồi kinh tế - xã hội, còn CSTT cũng sẽ nới lỏng song song nhưng mức độ và thời điểm cũng như thời gian linh hoạt và bám sát hơn vào mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4-5% và lạm phát cơ bản khoảng 2%. Theo đó, tổng phương tiện thanh toán năm 2022 cần tăng 10% và tổng tín dụng cho nền kinh tế tăng 12-15%, mới đáp ứng được nhu cầu vốn của DN và người dân. Chính sách tín dụng cần tiếp tục hỗ trợ tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thông qua kéo dài và bổ sung gia hạn nợ, cũng như không chuyển nhóm nợ đã áp dụng từ đầu năm 2020 đến nay. Hoàn thiện và khuyến khích chính sách tín dụng tiêu dùng nhằm cải thiện sức mua, đồng thời hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, thắt chặt dòng vốn tín dụng đổ vào các lĩnh vực rủi ro, nhất là chứng khoán, cổ phiếu lẫn trái phiếu DN.
Bên cạnh đó, CSTT cần sớm hoàn thiện để các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia sâu và có hiệu quả hơn vào thị trường trái phiếu chính phủ, mua bán nợ, trái phiếu DN và bất động sản, góp phần giảm thiểu rủi ro hệ thống. Và như vậy tỷ lệ nợ xấu ở các TCTD tất yếu sẽ tăng cao trong 2022 và vài năm tiếp theo, đó cũng là hậu quả bắt buộc của suy giảm kinh tế trong điều kiện Covid-19. Vì vậy, quy định và thực thi quy định về xử lý nợ xấu là mấu chốt đảm bảo sự hoạt động liên tục, an toàn và lành mạnh của hệ thống TCTD.
Cần nói thêm, chính sách lãi suất năm 2021 dù đã được điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ song vẫn đứng ở mức cao, và càng cao hơn nữa khi CPI cả năm chỉ ở mức 2%. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VNĐ đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm). Còn lãi suất tiền gửi bình quân bằng VNĐ của NHTM 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 6-12 tháng; 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 12-24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Do đó, lãi suất bình quân cho vay bằng VNĐ năm 2022 cần được điều chỉnh giảm 1-2% ở tất cả kỳ hạn so với 2021, trên cơ sở đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng về 5-5,5% và trên 12 tháng 6-6,5%, đi đôi với việc các TCTD tiếp tục cắt giảm chi phí và sử dụng công nghệ hiện đại trong giao dịch với khách hàng.
Chính sách giảm lãi suất trong năm 2022 cần được thực hiện nhất quán, rộng khắp và bình đẳng, thay vì hỗ trợ lãi suất 2% hay 4% như một số đề xuất cuối năm 2021, có thể làm méo mó thị trường tín dụng, gây ra bất bình đẳng và hệ lụy xấu không chỉ cho thị trường tài chính tín dụng, còn cả nền kinh tế. CPI và lạm phát cơ bản quá thấp như năm 2021 là thất bại, không phải là thành công của CSTT. Bên cạnh đó, chính sách tỷ giá hối đoái cũng gây bất lợi cho xuất khẩu 2021, khi chỉ số giá USD không những không tăng mà giảm khoảng 1% so với năm 2020. Giảm lãi suất và giảm giá VNĐ so với USD và các ngoại tệ mạnh khác phải là xu thế chủ đạo của CSTT 2022.
Nới lỏng CSTK - CSTT sẽ quyết định kết quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022 và một số năm tiếp theo. Mức độ và thời gian nới lỏng phụ thuộc vào khả năng điều hành và phối hợp nhằm đạt cả 2 mục tiêu: phục hồi tăng trưởng kinh tế và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. |