Khung khổ chính sách phát triển năm 2023 và một số năm tiếp theo đã định hình. Chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5% đạt được sự đồng thuận rất cao của đại biểu và được giới quan sát kinh tế cả trong và ngoài nước nhìn nhận là “thách thức nhưng khả thi”.
Nếu như còn có một phần việc nào đó trong chương trình nghị sự ban đầu đã không hoàn thành, thì đó chính là dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) chưa được thông qua. Nhưng, đây cũng là điều đã được Quốc hội dự liệu ngay khi thông qua chương trình chính thức của kỳ họp.
Ở một khía cạnh nào đó, đây là một điều có phần đáng tiếc trong bối cảnh ngành y tế đang có quá nhiều vấn đề bức xúc cần giải quyết. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đây là đạo luật hết sức quan trọng, tác động toàn diện đến đời sống kinh tế - xã hội, sức khỏe của nhân dân.
Trong khi, suốt quá trình xây dựng dự thảo và đóng góp ý kiến tại kỳ họp này vẫn còn có ý kiến khác nhau về nhiều vấn đề mang tính then chốt, nhất là trong việc xây dựng, luật hóa cơ chế tự chủ tài chính của bệnh viện công. Đó là chưa kể còn rất nhiều vấn đề lớn khác (gần 1/3 trong hơn 120 điều) còn chưa thật tường minh, được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, liên quan đến hệ thống cơ sở y tế; xã hội hóa; chi phí giá khám bệnh, chữa bệnh; cơ chế tài chính y tế; Hội đồng Y khoa quốc gia; công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; thử nghiệm lâm sàng trong khám bệnh, chữa bệnh...
Không vội vàng luật hóa những vấn đề chưa chín, chưa rõ, hay nói như một đại biểu Quốc hội là không thể “xuống nước trước khi tập bơi” đối với việc thông qua một đạo luật là tinh thần luôn được Quốc hội quán triệt, thể hiện tính trách nhiệm và chuyên nghiệp của cơ quan lập pháp.
Chính vì thế mà sự chuẩn bị “từ sớm, từ xa” là hết sức cần thiết, không phải chỉ trong việc thiết kế, hoàn thiện, ban hành một đạo luật mà xuyên suốt trong mọi lĩnh vực, mọi quyết sách của cơ quan lập pháp.