Trong khi đó, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Nga (RCB), tính đến cuối tháng 6-2018, RCB đã giảm mạnh tỷ lệ USD trong dự trữ ngoại hối của nước này xuống còn 24,4%, trong khi đồng EUR và Nhân dân tệ tăng lần lượt lên 32% và 14,7%. Bộ Tài chính Nga đang đẩy mạnh kế hoạch giảm tới mức tối đa và giảm thêm đầu tư vào nền kinh tế Mỹ cũng như vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ngoài việc giảm bớt sức ép từ lệnh trừng phạt, lý do Nga giảm phụ thuộc vào đồng bạc xanh còn xuất phát từ kim ngạch thương mại giữa hai bên liên tục sụt giảm. Năm ngoái, kim ngạch thương mại song phương Nga và Mỹ chưa vượt quá con số 25 tỷ USD. So sánh với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch thương mại song phương lần lượt là 108 và 294 tỷ USD. Chủ tịch Hội đồng Giám đốc FinExpertiza Elena Trubnikova nhận định: Xu hướng từ bỏ đồng USD và chuyển sang thanh toán bằng đồng Ruble trong giao dịch ngoại thương đã trở nên rõ ràng. Biện pháp này giúp nền kinh tế Nga bền vững hơn, tự bảo vệ thoát khỏi các biện pháp trừng phạt.
Từ chính sách giảm phụ thuộc vào đồng USD, Nga đã linh hoạt xây dựng hệ thống thanh toán không USD và sử dụng đồng nội tệ với các nước đối tác trong nhóm BRCIS gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Theo thống kê của Công ty Tư vấn FinExpertiza, trong vòng 5 năm, thanh toán bằng đồng Ruble với nhóm 4 nước trên đã tăng gấp 7 lần, đạt 6,3 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng trong tương lai gần, các công ty năng lượng của Nga sẽ trở thành yếu tố tác động chính chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ. Trước hết đó là Tập đoàn Gazprom và đường ống dẫn khí đốt “Sức mạnh Siberia” sẽ bắt đầu đưa vào khai thác vào tháng 12 tới. Hợp đồng trị giá 400 tỷ USD hiện nay đề xuất cung cấp hàng năm 38 tỷ m3 cho Trung Quốc trong vòng 30 năm. Hợp đồng sẽ bổ sung cho thị trường tiền tệ Nga khối lượng lớn đồng Nhân dân tệ và Nga sẽ sử dụng loại đơn vị tiền tệ này để thanh toán các mặt hàng nhập từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Nga cũng không ngừng tăng tốc chính sách mua vàng dự trữ, loại mặt hàng được loại trừ khỏi bất kỳ khả năng trừng phạt nào. Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, Nga đang là nước dẫn đầu thế giới về sức mua vàng trong quý 1 năm 2019, khi đã mua tổng cộng 55,3 tấn vàng, nâng tổng lượng dự trữ vàng của nước này lên 2.168 tấn. Trong năm 2018, nước này đã mua 274,3 tấn vàng để thực hiện kế hoạch đa dạng hóa danh mục tài sản trong dự trữ ngoại hối quốc gia. Nga hiện đang là quốc gia nắm giữ vàng lớn thứ 5 trên thế giới và có thể vượt qua Pháp và Italy trong vòng một năm tới.
Trong cuộc họp báo vào cuối năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định xu hướng sử dụng đồng USD đang giảm và vai trò của đồng Ruble ngày càng gia tăng. Ông Putin tuyên bố Ruble là đồng tiền đáng tin cậy và không kèm theo các giá trị bổ sung. Xu hướng giảm sử dụng USD của nền kinh tế không ảnh hưởng tới người dân Nga. Để biến đồng nội tệ trở nên mạnh hơn, Nga cần đảm bảo tỷ giá ổn định, tỷ lệ lạm phát thấp, cũng như phát triển các cơ sở hạ tầng tài chính.