Chính sách lãi suất zero

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0% - 0,25%, mức lãi suất thấp lần đầu tiên trong lịch sử chính sách tiền tệ Mỹ, được gọi là chính sách lãi suất zero. Theo các nhà kinh tế, quyết định táo bạo này nhằm ngăn chặn cơn ác mộng giảm phát có thể trở thành hiện thực, bởi áp dụng công cụ chính sách tiền tệ truyền thống là không đủ hiệu quả.

Nỗi lo sợ lớn nhất của Mỹ là sự giảm phát của kinh tế Mỹ sẽ đưa kinh tế thế giới vào vòng xoáy. Nếu kinh tế Mỹ giảm phát mạnh, tài chính, tín dụng sẽ nhanh chóng teo tóp lại, các doanh nghiệp sẽ giảm mạnh sản xuất và lao động. Sức ép từ sự đi xuống có thể rất mạnh khiến cho chính sách về tài chính và tiền tệ sẽ trở nên vô tác dụng. Nếu xảy ra, toàn thế giới sẽ bị hút vào vòng xoáy giảm phát.

Với bước đi táo bạo trái với thông lệ này, FED đã bơm tiền thẳng vào nền kinh tế. Theo đó FED sẽ mua một lượng khổng lồ các loại trái phiếu và chứng khoán nợ thế chấp để giúp các doanh nghiệp nâng lượng tiền cần thiết duy trì hoạt động và phục hồi sự ổn định của hệ thống tài chính. Bằng cách mua chứng khoán tài chính dài hạn, FED cũng nhằm hạ thấp các lãi suất dài hạn và vực dậy nền kinh tế.

Theo báo chí Nhật Bản, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã từng thực hiện chính sách lãi suất zero tệ để chống giảm phát thời kỳ 2001-2006. Thời đó, BoJ đã đổ tiền vào các ngân hàng và kêu gọi các ngân hàng thương mại gia tăng cho các công ty vay. Điều này có ý nghĩa vì các công ty Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào việc vay nợ ngân hàng.

Ở Mỹ thì khác, các công ty hầu hết gây quỹ ở thị trường chứng khoán. Nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ trực tiếp tài chính cho doanh nghiệp bằng việc mua trái phiếu và thương phiếu do các công ty phát hành có nghĩa FED cho các công ty vay tiền trực tiếp.

Sử dụng công cụ này là FED đang liều lĩnh vì cán cân thu chi của họ có thể bị hủy hoại bởi khả năng vỡ nợ đối với trái phiếu và thương phiếu họ mua. Trong trường hợp đó, chính phủ Mỹ sẽ bù lỗ bằng các quỹ công. Nhưng nếu thế niềm tin đối với chính phủ và FED bị tổn hại, gây đổ vỡ đồng USD. Theo các nhà phân tích, rõ ràng các nhà làm chính sách tiền tệ Mỹ đã tính nước được ăn cả ngã về không.

Hiện các ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn của thế giới cũng đang gặp khó khăn tương tự về chính sách. Đến nay NHTƯ châu Âu đã giảm lãi suất còn 2,5% qua nhiều đợt cắt giảm, còn NHTƯ Anh hạ thấp lãi suất chủ chốt còn 2%, mức thấp nhất kể từ khi ngân hàng này thành lập từ cuối thế kỷ 17. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế, 2 ngân hàng này hầu như chắc chắn phải cắt giảm lãi suất hơn nữa.

Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, thông qua chính sách lãi suất của mình, được xem có tác động lớn đến nền kinh tế thế giới. Với việc FED giảm lãi suất khiến cho lãi suất cơ bản của Mỹ thấp hơn của Nhật Bản (0,3%), làm tăng giá đồng yen so với USD, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản, BoJ ngày 19-12 đã quyết định hạ lãi suất đồng yen còn 0,1%. 

LỆ THƯ

Tin cùng chuyên mục