Nên chấp nhận nới lỏng có chu kỳ
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất cần thiết, nhưng điều khiến người dân, doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội quan tâm là những tác động đến kinh tế vĩ mô, như: tăng bội chi, nợ công, nợ Chính phủ; rủi ro tăng lạm phát…
“Liệu chúng ta có chấp nhận từ bỏ khát vọng đến năm 2030, 2045 về một đất nước phát triển thu nhập trung bình cao, cũng như các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ thời kỳ dân số vàng, từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết và lỡ nhịp cuộc chơi hay không?”, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đặt câu hỏi.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) nhận định: “Tuy chúng ta lo lắng về trần nợ công và tỷ lệ nợ đến hạn phải trả so với tổng thu ngân sách hàng năm, nhưng dù sao dư địa của chính sách tài khóa vẫn còn rộng hơn so với chính sách tiền tệ, khi phải ứng phó với áp lực tăng nợ xấu và kiểm soát lạm phát. Cá nhân tôi cho rằng, vẫn có thể tăng mức bội chi ngân sách trong 2 năm 2022-2023 cao hơn mức 4% GDP. Hiện tại, tổng nguồn chi cho các gói hỗ trợ được cho là quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp”.
Chia sẻ nhận định này, TS Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, cung cấp thông tin, tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm tới 7 điểm phần trăm (từ 3,2% lên 10,2%) trong thời gian qua.
“Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, để vừa phát triển, vừa giải quyết việc làm, vừa làm cho quy mô nền kinh tế lớn lên. Khi quy mô nền kinh tế lớn lên, GDP lớn lên, tự khắc bội chi và nợ công sẽ giảm xuống. Sau đó chúng ta sẽ có lộ trình củng cố tài khóa, củng cố lại kinh tế vĩ mô”, TS Cấn Văn Lực nêu ý kiến.
Giải ngân vào những dự án trọng điểm quốc gia
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, bên cạnh yêu cầu “đánh giá thật sát, thật đúng thực trạng hiện nay”, từ đó có được một chương trình phục hồi khả thi, còn phải tính đến khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, thúc đẩy tiến độ giải ngân.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng lo lắng: “Bây giờ tiến độ giải ngân còn rất chậm, sắp tới còn có một gói kích cầu đầu tư nào đó thì làm sao giải ngân kịp trong năm 2022 và 2023! Công tác chuẩn bị, công tác giải phóng mặt, công tác giải ngân như hiện nay có khi lại dây dưa kéo dài ra đến 5-10 năm sau”.
Chính vì vậy, đối với gói hỗ trợ liên quan đến đầu tư công, ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bày tỏ lo ngại, việc quyết tâm đẩy nhanh giải ngân bằng mọi giá có thể dẫn tới hệ lụy là dòng vốn đầu tư sẽ chảy vào những dự án kém hiệu quả. Do đó, nguồn vốn này cần tập trung vào các dự án trọng điểm cấp quốc gia và được Quốc hội giám sát chặt chẽ; áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn để đẩy mạnh đầu tư công. Trong đầu tư phát triển, Nhà nước “đừng làm một mình” mà hãy tận lực khai thác hình thức đầu tư đối tác công - tư để cùng làm với dân, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích. Các cơ quan nhà nước đừng vì quá lo an toàn cho mình mà đẩy hết rủi ro và khó khăn về cho người dân, doanh nghiệp. Nếu làm được, đây chính là chiếc chìa khóa vàng để khơi thông được mọi nguồn lực ở dân.
* TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: ANH VŨ ghi |