Ngày 11-5, tại Bến Tre, trong hội thảo nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền về giảm nghèo trên báo chí do Bộ LĐTB-XH tổ chức, bà Chu Thị Hạnh, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết, nhiều chính sách trong công tác giảm nghèo đang không phù hợp với thực tế.
Cơ quan quản lý đều đã nhìn nhận ra chính sách không phù hợp nhưng bỏ chính sách thì đến nay vẫn… chưa bỏ được.
Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho hay, chủ trương trong chương trình giảm nghèo bền vững 2016-2020 là hạn chế chính sách cho không, chính sách mang tính bao cấp, hỗ trợ và bỏ các chính sách không phát huy hiệu quả. Tuy vậy, đến nay mới bỏ được… 1 chính sách hỗ trợ dầu hỏa thắp sáng cho hộ nghèo. Ngược lại, có thêm 59 văn bản, chính sách giảm nghèo được ban hành mới.
Theo bà Chu Thị Hạnh, nhiều chính sách “không khả quan lắm” trong thực tế như hỗ trợ tiền điện, hỗ trợ 80.000-100.000 đồng về cây con giống cho người dân… “Mỗi hộ nghèo trước đây được hỗ trợ 30.000 đồng/tháng, nay là 40.000 đồng/hộ/tháng, để trả tiền điện và nhận hỗ trợ theo quý. Người dân ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, có khi phải đi xe ôm đến nơi nhận hỗ trợ nên chưa về đến nhà thì tiền đã hết tiền do phải chi phí dọc đường rồi”, bà Chu Thị Hạnh nhận xét. Tuy nhìn nhận ra vấn đề chính sách không hợp lý, Phó Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo thừa nhận “việc bỏ chính sách cũng đang là vấn đề với cơ quan quản lý”.
Về kết quả giảm nghèo, Bộ LĐTB-XH cho biết, Việt Nam được đánh giá là một trong 6 quốc gia hoàn thành trước thời hạn và là điểm sáng về thực hiện Mục tiêu giảm nghèo trong mục tiêu thiên niên kỷ. Tuy nhiên, giảm nghèo không đồng đều, tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, kết quả giảm nghèo chưa bền vững. Hệ thống chính sách còn có sự chồng chéo, chia cắt, hiệu quả chưa cao. Chính sách chưa khuyến khích thoát nghèo, vẫn mang tính bao cấp, cho không là chủ yếu.
TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động xã hội cho rằng, trong giảm nghèo, giúp người nghèo “con cá và cần câu” là chưa đủ, mà phải giúp người nghèo có thêm khao khát vươn lên thoát nghèo. Với vai trò của mình, các cơ quan báo chí có thể tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tiếp thêm khao khát, ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.