LTS: Theo chương trình kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, hôm nay 26-5, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng sẽ trình bày Tờ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Báo SGGP ghi nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT cùng một số ĐBQH và chuyên gia về quá trình chuẩn bị dự thảo, cũng như sự cần thiết ban hành cơ chế, chính sách vượt trội tạo động lực để TPHCM phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước, vươn lên bắt kịp với khu vực và quốc tế.
TPHCM là một đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước, là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ lớn nhất của cả nước; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Đây còn là địa phương đi đầu trong đối mới, cải cách kinh tế, trở thành cảm hứng phát triển, mô hình cho các địa phương khác trong cả nước tham khảo thực hiện.
Phân tích từ nền tảng và thực tiễn tại TPHCM, nếu có cơ chế, chính sách hiện đại mang tính vượt trội, đột phá sẽ mở đường cho thành phố khơi thông nguồn lực phát triển. Cụ thể, để TPHCM phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước, vươn lên bắt kịp với khu vực và quốc tế, Trung ương cần cho phép TPHCM thử nghiệm những chính sách mới, hiện đại. Trong đó, có thể áp dụng cơ chế thử nghiệm về phát triển trung tâm tài chính quốc tế theo từng giai đoạn trước mắt, trung hạn và dài hạn. Mục tiêu năm 2031 trở đi, phát triển TPHCM trở thành một trung tâm tài chính toàn cầu có thứ hạng cao.
Để đạt được mục tiêu trên, Nhà nước cần kiến tạo các chính sách với các dịch vụ phụ trợ và tiện ích. Trong đó cho phép nhà đầu tư chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm tài chính có thể xây dựng, kinh doanh một dự án casino tại TPHCM. Cùng với đó là các chính sách ưu đãi cao hơn so với các quy định hiện hành để tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển trung tâm tài chính. Đó là việc cho phép thành lập các khu bán hàng miễn thuế và khu dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Cán bộ UBND quận 1, TPHCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân |
Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách thử nghiệm để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các viện, trường và khu vực công ở TPHCM. Cho phép TPHCM xây dựng cơ chế đồng giám sát các kết quả, đề tài của nhà khoa học, để họ tự đánh giá chéo nghiên cứu của nhau, giúp giảm bớt thủ tục, tăng tính minh bạch cho các nghiên cứu. Đồng thời, thu hút nhà đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ số, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao; đầu tư dự án trong lĩnh vực sản xuất chip, bán dẫn, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch có quy mô lớn...
TPHCM cũng cần được thí điểm những cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút nhân tài, tinh hoa, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế về làm việc. Có cơ chế, chính sách thúc đẩy đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; chú trọng tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nuôi dưỡng, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về lâu dài, cần nghiên cứu xây dựng luật đô thị đặc biệt cho TPHCM. Việt Nam chỉ có 2 đô thị đặc biệt là TP Hà Nội và TPHCM. Hiện TP Hà Nội đã có Luật Thủ đô, còn TPHCM chưa có luật đặc thù, trong khi TPHCM có những đặc điểm về địa bàn, vị trí, dân số, kinh tế... khác hẳn các tỉnh, thành khác. Do đó, việc xây dựng cơ chế mang tính đột phá, áp dụng trong dài hạn để đầu tàu kinh tế như TPHCM phát triển là điều cần thiết, đảm bảo quá trình phát triển bền vững cho thành phố.
TS. HÀ HUY NGỌC, Viện Kinh tế Việt Nam
"Tinh thần là TPHCM xin thí điểm các cơ chế để tạo ra sự phát triển, triển khai thực tiễn để đóng góp thực tiễn cho cả nước, chứ không đặt vấn đề xin những đặc ân, điều kiện thuận lợi về cho thành phố. Và nếu có thì đó cũng là vì mong muốn TPHCM phát triển nhanh hơn, mạnh hơn để đóng góp nhiều hơn cho cả nước"
ĐBQH PHAN VĂN MÃI, Chủ tịch UBND TPHCM
Mong muốn đóng góp nhiều hơn cho cả nước
Góp ý cho dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, có ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết có nhiều nội dung chính sách lớn đang được thảo luận và vẫn có thể thay đổi trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)… Dự kiến, các luật này được thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Vì vậy, để bảo đảm các nội dung trên được cân nhắc hợp lý, cần trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi |
Về nội dung này, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, với những đặc thù của TPHCM thì khuôn khổ pháp luật hiện tại có những lĩnh vực chưa bao quát được hết. Điều đó đòi hỏi khung pháp lý phù hợp để tháo gỡ những vướng mắc, tạo không gian để TPHCM phát triển. Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là cấp thiết với TPHCM, giúp TPHCM tháo gỡ được vướng mắc, tạo những động lực lớn hơn, mạnh hơn để thúc đẩy đầu tàu kinh tế của cả nước phát triển. Từ đó TPHCM giữ vững được vai trò đầu tàu, cực tăng trưởng và đóng góp vào sự phát triển chung cả nước.
Đối với các cơ chế chính sách mới chưa được quy định trong luật, chưa được thí điểm ở các địa phương khác, TPHCM xin được nhận thí điểm trước và nếu thành công thì sẽ có cơ sở để Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo thể chế hóa thực hiện chung cho cả nước. Đây là đóng góp ở góc độ phát triển thể chế hóa cho cả nước. Do đó, quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết, TPHCM một mặt chủ động đề xuất các cơ chế, chính sách để thí điểm, một mặt nhận sự góp ý từ các bộ, ngành. Thời gian qua, TPHCM nhận được sự gợi ý rất nhiều của các bộ, ngành trung ương về việc này, nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng.
* Bộ trưởng Bộ KH-ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG: Đạt được sự đồng thuận cao
Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017 (về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) là nghị quyết thứ 10 về cơ chế đặc thù dành cho các địa phương và là nghị quyết có phạm vi, quy mô lớn nhất, phức tạp nhất, đòi hỏi cao nhất, làm sao phải đồng thời đảm bảo các yếu tố: giải quyết được các điểm ách tắc, điểm nghẽn đang làm cản trở sự phát triển củaTPHCM hiện nay; vừa tạo được các động lực mới, cú hích mới để phát huy được hết các tiềm năng, lợi thế cho TPHCM, tạo bứt phá trong thời gian tới.
Đó là những vấn đề đòi hỏi rất cao, bám sát được các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội. Trong đó Bộ Chính trị có 2 nghị quyết là Nghị quyết 24-NQ/TW về phát triển vùng Đông Nam bộ; Nghị quyết 31-NQ/TW riêng cho TPHCM. Quốc hội cũng có Nghị quyết 81 về quy hoạch tổng thể TPHCM.
Được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị quyết, chúng tôi đã rất nỗ lực, phối hợp hết sức chặt chẽ với các cơ quan, bộ, ngành, thành phố và không quản ngày, đêm làm trong một thời gian rất nhanh với khối lượng công việc rất lớn. Cuối cùng, dự thảo đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất rất cao giữa các bộ, ngành.
* Ông Y THANH HÀ NIÊ KĐĂM, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc: Mô hình thí điểm lần đầu của cả nước
Nếu thực hiện các chính sách như dự thảo nghị quyết thì rõ ràng TPHCM được thực hiện thí điểm gần như tất cả các cơ chế mà trước giờ đã giao cho các địa phương khác; bên cạnh đó có những cơ chế mới, có những cơ chế đang được bàn trong các dự thảo luật sửa đổi, bổ sung như: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản... Có lẽ đây là mô hình thí điểm đặc thù riêng mà lần đầu tiên chúng ta làm trên cả nước.
Riêng việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế, nếu triển khai thì tôi cho rằng nên có đề án riêng mà không nên đưa vào nghị quyết của Quốc hội.
* Đại biểu LÊ THANH VÂN, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách: TPHCM cần được trao quyền mạnh mẽ hơn
Dự thảo Đề án về cơ chế đặc thù cho TPHCM lần này đề xuất những cơ chế mới hơn, theo hướng phân cấp phân quyền và ủy quyền mạnh mẽ hơn. Tôi cơ bản tán thành với dự thảo nghị quyết của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Tuy nhiên, theo tôi, cần bổ sung một số cơ chế đặc thù hơn nữa đối với TPHCM. Ví dụ như về tổ chức bộ máy và nhân sự, thì TPHCM nên có quyền quyết định việc tổ chức bộ máy cấp sở (trừ những sở, ban theo “cơ cấu cứng” có liên quan đến tổ chức hệ thống chính trị và bảo đảm quốc phòng an ninh). Đối với các sở, ngành có liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản lý dân cư thì TPHCM có quyền tự quyết việc tổ chức bộ máy sao cho hợp lý nhất với điều kiện thực tiễn của thành phố. Hoặc trong công tác nhân sự, TPHCM nên có quyền được đặt ra những tiêu chí riêng để tuyển dụng cán bộ tài năng phù hợp với nhu cầu thu hút nhân tài trong từng lĩnh vực cụ thể của thành phố.
Điều quan trọng nhất trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết thí điểm lần này là TPHCM phải có được một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài để triển khai thực hiện.
* Đại biểu PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Mở rộng khai thác không gian phát triển
Tôi cho rằng, việc có cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM không chỉ là mong mỏi của cử tri, nhân dân TPHCM mà còn là của cử tri và người dân cả nước. Vì vậy, tôi tán thành sự cần thiết ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Một vấn đề tôi quan tâm đó là, bên cạnh nội dung và giải pháp đã được xây dựng trong dự thảo nghị quyết, cần chú trọng đến tốc độ triển khai nghị quyết, cách làm chi tiết, cụ thể hơn để giảm tối thiểu các văn bản hướng dẫn. Qua đó đẩy nhanh quá trình tổ chức thực hiện, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống khi được thông qua.
Ngoài ra, TPHCM cần chú ý tới nguyên tắc “trọng tâm và trọng điểm”. Trong đó, nguồn lực và cơ chế cũng phải tập trung để giải quyết những vấn đề cấp bách, quan trọng giúp thúc đẩy phát triển TPHCM. Tôi cho rằng, chúng ta không nên quá dàn trải. Bởi nguồn lực bị phân tán thì năng lực hấp thụ cũng bị phân tán, khiến các giải pháp trở nên kém hiệu quả. Đồng thời, TPHCM cần có giải pháp mở rộng khai thác không gian mới và các vùng lân cận thay vì chỉ chỉnh trang không gian ở trung tâm TPHCM.
* Đại biểu BÙI HOÀI SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực văn hóa
Khi ban hành cơ chế pháp luật, chúng ta thấy rằng, quy định có thể đúng ở phạm vi chung nhưng có một số lại không phù hợp với một thành phố năng động, đầu tàu như TPHCM, thậm chí có thể trở thành điểm nghẽn.
Do đó, trong khi chưa sửa được cơ chế, chính sách một cách phù hợp hơn với thực tiễn thì phải đưa vào cơ chế đặc thù. Thời gian qua, có khá nhiều điểm nghẽn khiến cho việc phát triển văn hóa của TPHCM và nhiều địa phương gặp khó khăn. Ví dụ như luật về đối tác công tư, luật về quản lý
sử dụng tài sản công đang gây ra vướng mắc cho thiết chế văn hóa. Các trung tâm văn hóa, thư viện bảo tàng… thường sử dụng quỹ đất rộng, ở vị trí trung tâm nên việc định giá đất vô cùng khó khăn. Nếu định giá đất quá cao thì rất khó để liên doanh, liên kết. Hay như vướng mắc trong định giá các sản phẩm văn hóa, thương hiệu của hãng phim… Những cản trở đó khiến cho thiết chế văn hóa gặp nhiều khó khăn, bế tắc, cần được tháo gỡ.
Đó là lý do tại sao cần có sự tháo gỡ để hoạt động văn hóa ở TPHCM trở nên sôi động hơn, phù hợp hơn với vị trí của thành phố này, từ đó trở thành kinh nghiệm tiên phong cho cả nước.
* Đại biểu PHẠM VĂN HÒA, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Yếu tố con người rất quan trọng cho sự phát triển
Việc có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố là rất cần thiết. Khi TPHCM phát triển thì các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng, cả nước nói chung sẽ được hưởng lợi rất lớn và phát triển theo.
Một vấn đề cốt lõi đối với TPHCM là con người thực hiện, nếu nghị quyết được Quốc hội thông qua. Cho nên, về cơ chế huy động nguồn lực con người, bên cạnh thu hút nhân tài mới, TPHCM cần thúc đẩy, nâng cao năng lực chuyên môn những người đang làm việc trong bộ máy của thành phố để phát huy hết khả năng của họ; cũng như tạo điều kiện, cơ hội để họ phát huy tính năng động, sáng tạo, đóng góp tối đa năng lực cho sự phát triển của TPHCM.
Tôi tin rằng TPHCM đủ khả năng, đủ sức hấp dẫn để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao, điều quan trọng là cần có cơ chế chính sách đãi ngộ tương xứng, nhất là về chính sách tiền lương, dành cho các đối tượng này.