Ông PHẠM NGỌC TRANG - Cử tri phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TPHCM:
Chi thu nhập xứng đáng để giữ chân cán bộ giỏi
Chính sách chi thu nhập tăng thêm được TPHCM áp dụng theo Nghị quyết 54 đã hỗ trợ phần nào cho cán bộ, công chức, viên chức ổn định về tài chính để tập trung cống hiến, phát triển, gắn bó với công việc. Minh chứng là những năm gần đây, nhiều mô hình, sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân được ra đời từ sự tìm tòi, đề xuất của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, công việc tăng, thu nhập giảm, nhiều cán bộ, công chức, viên chức không trụ được trong khu vực công buộc phải dịch chuyển sang khu vực tư. Theo thống kê, chỉ từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, TPHCM có khoảng gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo nguyện vọng. Đây là con số đòi hỏi các ngành, các cấp, các đơn vị cần nghiêm túc nhìn nhận và cải thiện.
Thực tế chất lượng nhân lực đầu vào ở khu vực công luôn cao, được chọn lọc kỹ lưỡng và liên tục được bồi dưỡng, nâng chất. Trong bối cảnh TPHCM và cả nước tinh gọn bộ máy, song hành với tinh giản cán bộ không làm được việc thì phải có giải pháp để giữ chân cán bộ giỏi. Do đó, cần thiết có cơ chế cho phép HĐND TPHCM quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Bà BÙI THỊ THỨC - Cử tri phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM:
Ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế
TPHCM là siêu đô thị, là nơi quy tụ lực lượng lao động từ khắp các vùng miền trên cả nước đến sinh sống và làm việc. Số lượng lao động từ các tỉnh, thành khác đến càng đông thì nhu cầu về nhà ở càng lớn. Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực để phát triển nhà ở xã hội, nhưng số lượng nhà ở được xây dựng so với nhu cầu thực tế của người dân còn khoảng cách rất lớn.
Mục tiêu của TPHCM là đến năm 2025 xây dựng được 35.000 căn nhà ở xã hội, và đến năm 2030 đạt 93.000 căn. Tuy nhiên, thời gian qua, có rất ít dự án nhà ở xã hội được khởi công hoặc đưa vào sử dụng bởi các vướng mắc về pháp lý, thủ tục đầu tư.
Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 vừa được trình Quốc hội có những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhất là những chính sách về quy hoạch, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư… Hy vọng nghị quyết mới sẽ sớm được thông qua để những cơ chế, chính sách này đi vào cuộc sống, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn trong phát triển nhà ở xã hội, giúp thành phố triển khai nhanh các dự án. Qua đó giúp công nhân, người lao động, người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội với mức giá phù hợp với thu nhập nhằm ổn định nơi ở, yên tâm phát triển kinh tế gia đình, đóng góp cho sự phát triển chung của TPHCM và cả nước.
Ông PHẠM NAM PHONG - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vũ Phong Energy Group:
Thúc đẩy phát triển xanh, bền vững
TPHCM phải đặt mục tiêu là địa phương đầu tiên của cả nước và khu vực về sử dụng năng lượng tái tạo, trung hòa phát thải khí nhà kính và trung hòa carbon. Việt Nam cũng đã cam kết lộ trình trung hòa carbon tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), tuy nhiên hiện nay một số cơ chế, chính sách thực hiện còn nhiều vướng mắc. Do đó, việc TPHCM đề nghị thí điểm tạo tín chỉ carbon là rất phù hợp.
Hiện nay, việc cấp tín chỉ carbon rất tốn thời gian, mức chi phí cao. TPHCM nên phối hợp Bộ Công thương, Bộ TN-MT ban hành thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon phù hợp với quy chuẩn quốc tế. Tiếp theo đó, TPHCM nên đưa lộ trình trung hòa carbon bắt buộc với các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn để nâng cao trách nhiệm của các đơn vị.
Tôi cũng tán thành việc để TPHCM giữ lại 100% nguồn thu từ việc giao dịch tín chỉ carbon để phục vụ cho các quá trình thực hiện tiếp theo. Ngoài ra, TPHCM cần có cơ chế nêu gương trong việc sử dụng điện mặt trời áp mái, giảm chi phí tiêu thụ điện cho các đơn vị. Một thí nghiệm tại Bệnh viện huyện Củ Chi cho thấy, hệ thống điện mặt trời áp mái mỗi năm giúp đơn vị này giảm 500 tấn carbon, tương đương với việc trồng 15.000 cây xanh. Đây là giải pháp hữu hiệu cho việc giảm phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố, nhất là những khu vực đô thị hóa cao.