Chính sách đột phá: Kỳ vọng thu hút đầu tư hiệu quả hơn

Nhằm tạo động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, Chính phủ đang giao các bộ ngành chủ trì lấy ý kiến của các cơ quan, địa phương, chuyên gia, các tổ chức kinh tế để tìm giải pháp thu hút đầu tư hiệu quả nhất. Trong đó, tập trung các chính sách đột phá thu hút đầu tư công nghệ cao.

Băn khoăn thay đổi chính sách

Từ thực tiễn hoạt động thu hút đầu tư nhiều năm qua, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TPHCM (Hepza) Trần Việt Hà nhận định, chính sách ưu đãi đầu tư bấp bênh, thay đổi liên tục dẫn đến khó khăn trong việc vận dụng cũng như ổn định cho nhà đầu tư.

X5a.jpg
Dây chuyền sản xuất và đóng gói tôn lạnh tại Nhà máy Tôn Đông Á (Bình Dương). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Chẳng hạn, trước kia chỉ có đầu tư nước ngoài (FDI) được ưu đãi theo luật đầu tư nước ngoài, sau này mới áp dụng ưu đãi đầu tư chung cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư; đến khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) thì bỏ ưu đãi liên quan tỷ lệ xuất khẩu, liên quan doanh nghiệp chế xuất. Khoảng năm 2010, bỏ ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư trong khu công nghiệp, rồi sau đó vài năm quay lại ưu đãi cho đối tượng này. Hiện, Hepza cũng không xác định được doanh nghiệp hưởng ưu đãi gì để ghi vào giấy chứng nhận đầu tư, đành ghi là “ưu đãi theo quy định pháp luật hiện hành”!

Một ví dụ cụ thể gặp rắc rối khi chính sách ưu đãi thay đổi, đó là Công ty TNHH Nidec Precision Việt Nam. Đơn vị này hoạt động tại Khu Công nghệ cao TPHCM từ năm 2005, giá thuê đất ưu đãi được ghi cụ thể trong hợp đồng. Đến năm 2018, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu truy thu bổ sung tiền thuê đất lên tới hơn 16,6 tỷ đồng. Doanh nghiệp cho rằng, truy thu tiền thuê đất ưu đãi sau 12 năm áp dụng là không hợp lý, vi phạm thỏa thuận trong hợp đồng trước đây.

Luật sư Nguyễn Quốc Vinh (trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam) đánh giá, một trong những băn khoăn của nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam là sự ổn định chính sách. Họ lo ngại về việc liệu dự án có bị thu hồi không, thuế có thay đổi không...

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, quá trình tư vấn thuế cho thấy sai sót lớn về thuế hầu hết ở chỗ áp dụng chính sách ưu đãi. Nguyên tắc xây dựng chính sách thuế là phải quy định rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, nên việc quy định rắc rối sẽ dễ dẫn đến thông đồng, móc nối, trốn tránh, tham nhũng.

Bên cạnh chính sách đầu tư và thuế cần ổn định, các nhà đầu tư nước ngoài từ Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, Chính phủ và địa phương nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, nâng cao trình độ cho người lao động và đơn giản hóa các yêu cầu phê duyệt nhằm cải thiện hệ sinh thái kinh doanh của Việt Nam, thêm chính sách hấp dẫn thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn.

“Luồng xanh” với thủ tục đầu tư

Hiện nay, Chính phủ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư, trong đó đề xuất hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho nhà đầu tư thuộc một số lĩnh vực. Cụ thể, dự thảo nghị định này nêu đối tượng được hỗ trợ là doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển. Trong đó, chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội... được hỗ trợ ở mức cao.

Cùng với đó, Bộ KH-ĐT đang tích cực lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 10 tới đây, trong đó có một số nội dung sửa đổi được đánh giá là đột phá, nhất là về thủ tục đầu tư. Đối với thủ tục đầu tư đặc biệt được ví von như “luồng xanh”, chỉ trong 15 ngày kể từ khi Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế nhận được hồ sơ, là nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Thủ tục đầu tư đặc biệt được áp dụng cho các dự án đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong một số lĩnh vực; các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch...

“Nhà đầu tư không phải thực hiện các thủ tục về xây dựng, bảo vệ, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy, mà chỉ có trách nhiệm thực hiện đầy đủ cam kết, thực hiện đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định trong các lĩnh vực trên”, một lãnh đạo Bộ KH-ĐT chia sẻ.

Thứ trưởng Bộ KH-ĐT NGUYỄN THỊ BÍCH NGỌC:

Đổi mới để thu hút đầu tư công nghệ cao Quy định “luồng xanh” trong thu hút đầu tư là rất mới. Việc Bộ KH-ĐT đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt là do hiện nay thủ tục đầu tư được quy định trong nhiều luật khác nhau, phải thực hiện qua nhiều bước, nhiều khâu. Trong khi bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo…, các quốc gia cũng đang áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt ở nhiều mức độ khác nhau để tập trung thu hút đầu tư các lĩnh vực này. Nếu Việt Nam thực hiện theo thủ tục thông thường, rất khó thu hút các dự án công nghệ cao.

Tin cùng chuyên mục