Tại hội thảo, bà Lê Thị Thục, Phó Giám đốc Sở KH-CN TP Đà Nẵng cho rằng, Nghị quyết 43 đã xác định đến năm 2030 xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Để thực hiện, đơn vị đang xây dựng đề án “Đà Nẵng - thành phố đổi mới sáng tạo”. Hội thảo là cột mốc tiếp theo trên hành trình xây dựng một nền tảng khoa học và thực tiễn cho đề án, đảm bảo phản ánh đúng thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng và thế mạnh của địa phương.
Theo ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng, thực trạng đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng cho thấy nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Các chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương được phân tích qua bảy trụ cột gồm thể chế, vốn con người, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển thị trường, doanh nghiệp, sản phẩm tri thức và tác động đến kinh tế - xã hội. Để thúc đẩy, đề án đưa ra một loạt giải pháp, bao gồm: cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo để tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân tài trong các lĩnh vực ưu tiên; cải thiện cơ sở hạ tầng thu hút sự đầu tư vào các cơ sở vật chất và công nghệ cần thiết; truyền thông hiệu quả, dài hạn để nâng cao nhận thức về đổi mới sáng tạo trong cộng đồng.
Ông Nguyễn Tuấn Lương, Trưởng phòng Thí nghiệm tăng tốc và bản đồ giải pháp, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, thay vì chỉ hỗ trợ thị trường chung, chính sách đổi mới sáng tạo nên hướng theo nhiệm vụ nhằm thay đổi, định hình thị trường để đạt các mục tiêu xã hội cụ thể. Chính sách đưa ra với ưu tiên là giải quyết các vấn đề lớn của xã hội thông qua sự kêu gọi các bên phối hợp đổi mới sáng tạo.
“Chính sách đổi mới sáng tạo cần có tầm nhìn mang tính tương lai, xu hướng. Vì vậy, thiết kế chính sách không chỉ phản ánh thực trạng mà còn mang tính xu hướng như liên quan đến đô thị hóa và áp lực hạ tầng; y tế toàn cầu và ứng phó đại dịch; mạng xã hội và hệ sinh thái thông tin; thị trường tài chính toàn cầu và sự phức tạp kinh tế…”, ông Lương chia sẻ.
PGS.TS Trần Ngọc Ca, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB), Đại học Quốc gia Hà Nội đề xuất, mô hình Đà Nẵng có thể gắn tối đa với phát triển du lịch và phục vụ thiết thực cho việc phát huy các thế mạnh khác của địa phương: kinh tế biển, cảng/tiếp vận, đầu mối giao thông. Bên cạnh đó, gắn với việc trở thành một không gian sống và làm việc lý tưởng cho các nhà khoa học công nghệ, quản lý, đầu tư tại chỗ và những người đến từ Hà Nội, TPHCM,… Có cơ hội để hợp tác, liên kết tốt hơn với các trung tâm về đổi mới sáng tạo khác trong và ngoài khu vực, theo hướng trao đổi chuyên gia, chia sẻ cơ sở vật chất kỹ thuật, hiệu ứng tổ hợp. Để triển khai, TP Đà Nẵng liên kết với các cụm đổi mới sáng tạo như Hà Nội, TPHCM. Đồng thời, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng như Huế, Hội An. Điều này có nghĩa, hệ sinh thái của Đà Nẵng không bị giới hạn về địa lý, biến địa phương lân cận là một thành tố của hệ sinh thái Đà Nẵng. Dựa vào lợi thế hiện nay, TP Đà Nẵng có thể tiếp cận phát triển theo chùm công nghiệp sáng tạo, định hướng du lịch biển.
Đề cập đến vấn đề tài chính, theo ông Nguyễn Trường Phi, Trưởng phòng Đổi mới sáng tạo, Cục Phát triển Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo là lĩnh vực liên ngành nên chăng kinh tế đổi mới sáng tạo không chỉ sử dụng kinh phí khoa học – công nghệ mà có thể tận dụng từ những nguồn lực khác, không nhất thiết ở khu vực nhà nước. Vấn đề ở đây mà ông Phi đặt ra là cần cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút được dòng tiền ở những nguồn lực khác, điển hình như thí điểm cơ chế đầu tư mạo hiểm theo thông lệ quốc tế.