Chính sách dầu khí mới của Mỹ gặp nhiều thách thức

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump là người ủng hộ “giải phóng năng lượng của Mỹ”, cụ thể là dầu mỏ, thứ mà ông thường gọi là “vàng lỏng”. Tuy nhiên, chính sách này có thể gặp nhiều rào cản từ đồng minh và ngay bên trong nước Mỹ.

Nhu cầu dầu vẫn thấp

Dựa trên những người được ông Donald Trump đề cử cho các vị trí phụ trách năng lượng quan trọng, giới quan sát nhận định chính quyền Trump 2.0 sẽ tích cực thúc đẩy khai thác dầu mỏ và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, điều đó cũng không đảm bảo sản lượng sẽ tăng mạnh.

Theo NPR, xét cho cùng, sản lượng dầu khí của Mỹ đã ở mức cao kỷ lục trong khi nhu cầu dầu toàn cầu vẫn chưa trở lại như thời trước đại dịch Covid-19. Trên thực tế, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước khai thác dầu quan trọng khác vừa trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng, cho rằng thế giới hiện không cần thêm dầu.

Thậm chí, lời kêu gọi của ông Donald Trump về việc khoan thêm dầu, nếu được ngành dầu mỏ Mỹ tuân thủ, có thể tạo ra sự bất đồng với Saudi Arabia và các nước khác trong OPEC. Kể từ khi cuộc cách mạng đá phiến bắt đầu vào khoảng năm 2007, OPEC đã liên tục mất thị phần vào tay Mỹ.

Nguồn cung dầu của Mỹ đã vượt qua Saudi Arabia trong năm 2014 và đạt mức kỷ lục dưới thời Tổng thống Joe Biden. Nếu mức tiêu thụ dầu toàn cầu tăng mạnh, OPEC và Saudi Arabia có thể thấy sự cạnh tranh của Mỹ ít đáng lo ngại hơn.

Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu vẫn tăng chậm. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, dự báo nhu cầu dầu và khí đốt sẽ tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2025, thấp hơn mức tăng trung bình 10 năm trước đại dịch là 1,5 triệu thùng/ngày. OPEC hiện vẫn còn hơn 4 triệu thùng mỗi ngày khai thác dự phòng hoặc chưa sử dụng.

F8b.jpg
Khai thác dầu đá phiến tại bang North Dakota, Mỹ. Ảnh: Shutterstock

Nga và các thành viên OPEC+ còn lại còn sở hữu nhiều hơn nữa. Một trong những yếu tố kìm hãm OPEC là nhu cầu dầu toàn cầu quá yếu để tiếp nhận thêm dầu từ Mỹ và các nhà sản xuất không thuộc OPEC khác như Brazil, Canada, Guyana và Na Uy.

Vì vậy, vấn đề đặt ra là sản lượng dầu của Mỹ tăng như thế nào để không làm sụt giá khi ông Donald Trump ban hành các chính sách thân thiện với dầu mỏ. Tổng thống có thể cho phép tăng cường khai thác dầu và nếu Quốc hội hợp tác, thậm chí có thể thay đổi luật. Nhưng nếu các chỉ số thị trường không thuận lợi, hầu hết các giám đốc điều hành công ty dầu mỏ sẽ tìm cách phớt lờ chính phủ liên bang.

Hơn nữa, cũng nên tính đến trường hợp đến lúc nào đó, Saudi Arabia có thể quay lại “cuộc chiến giá cả”, tức tăng sản lượng để loại bỏ các đối thủ cạnh tranh có chi phí cao hơn, khiến tình hình khai thác dầu thô tại Mỹ và những nơi mất dần sức hấp dẫn. Giá cả giảm mạnh sẽ gây tổn hại đến lợi ích của tất cả nhà sản xuất.

Rào cản pháp lý

Chính quyền Tổng thống Joe Biden vừa dành 4 năm để cung cấp hàng tỷ USD hỗ trợ liên bang cho ngành năng lượng sạch, như một phần của nỗ lực cắt giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2) của Mỹ và giúp hạn chế những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump xem biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp và năng lượng sạch hoặc năng lượng xanh sẽ không phải là ưu tiên của chính quyền mới; thay vào đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty sản xuất và đốt nhiều than, dầu và khí đốt hơn.

Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ​​sẽ cấm vĩnh viễn hoạt động khoan dầu mới ở các khu vực rộng lớn của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như các vùng biển liên bang khác. Theo New York Times, động thái này dựa trên luật đã có từ 70 năm trước, có thể gây khó cho chính quyền ông Donald Trump. Đạo luật về đất đai thềm lục địa trao cho tổng thống quyền tự do rộng rãi để cấm khoan khai thác tài nguyên và không cho phép bất kỳ tổng thống tương lai nào thu hồi lệnh cấm.

Các nhóm bảo vệ môi trường ca ngợi động thái dự kiến cấm khai thác của ông Biden. Ông Ben Jealous, giám đốc điều hành tổ chức bảo vệ môi trường Sierra Club của Mỹ, cho rằng hạn chế khoan ngoài khơi là một chiến thắng lớn cho khí hậu, động vật hoang dã biển, cộng đồng ven biển và nền kinh tế, sẽ là một chương nữa trong di sản khí hậu lịch sử của Tổng thống Biden.

Trước đây, Tổng thống Barack Obama đã ban hành lệnh cấm khoan ngoài khơi ở một số vùng của Bắc Băng Dương và hàng chục hẻm núi ở Đại Tây Dương. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Donald Trump đã cố gắng thu hồi lệnh cấm này, nhưng năm 2019, Thẩm phán Tòa án quận Sharon Gleason tại Alaska đã phán quyết rằng lệnh cấm của ông Obama không thể được hủy bỏ nếu không có đạo luật của Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục