Ưu tiên chuyên gia khoa học, công nghệ
UBND TPHCM vừa phê duyệt đề án thu hút và phát triển chuyên gia, nhà khoa học mà TP có nhu cầu trong giai đoạn 2018-2022. Đây là nội dung được cụ thể hóa trong cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Theo đề án, TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu công nghiệp và đẩy mạnh các ngành dịch vụ giá trị gia tăng mang tính cạnh tranh quốc tế. Do đó, TP xác định phải đổi mới toàn diện về cơ chế, chính sách nhằm thu hút giới trí thức có trình độ, năng lực chuyên môn xuất sắc, có tư duy đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và tâm huyết… làm lực lượng nòng cốt tư vấn chiến lược nhằm thực hiện mục tiêu đề ra. Đề án nhấn mạnh đến các chính sách đột phá đủ sức hấp dẫn thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đã được đào tạo, rèn luyện ngoài khu vực công. Nguồn nhân lực này sẽ bổ sung vào các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP. Cùng với đó, TPHCM cũng đặt mục tiêu tạo nguồn chuyên gia tư vấn, hoạch định chiến lược và khoa học, công nghệ (KH-CN) để tư vấn cho TP giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Dây chuyền sản xuất của Công ty Minh Nguyên, với sản phẩm công nghiệp phụ trợ, tại khu công nghệ cao TP . Ảnh: VIỆT DŨNG
Về ngành, lĩnh vực cụ thể, bao gồm: công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh; phát triển công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng - hậu cần hàng hải và xuất nhập khẩu (logistics); xây dựng và vận hành hệ thống vận tải công cộng sức tải lớn, không gian ngầm; vật liệu mới, công nghệ nano, năng lượng tái tạo và sản xuất linh kiện điện tử cao cấp; công nghiệp vi mạch, công nghệ số; trí tuệ nhân tạo, tế bào gốc…
UBND TPHCM khẳng định, không giới hạn về quốc tịch nhưng chuyên gia, nhà khoa học phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn ở từng vị trí cụ thể. TP sẽ công bố kế hoạch tuyển chọn và lập tổ tư vấn để nghe các chuyên gia, nhà khoa học thuyết minh phương hướng, kế hoạch thực hiện dự án, công trình của mình. Trên cơ sở đó, sẽ quyết định, lựa chọn những người phù hợp nhất.Kỳ vọng sự đột phá thu hút nhân tài Theo đề án, ngay khi được tuyển chọn và ký hợp đồng, TP sẽ trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng/người đối với chuyên gia, nhà khoa học là GS, PGS hoặc 80 triệu đồng/người đối với các trường hợp còn lại. Hàng tháng, các chuyên gia, nhà khoa học được nhận lương với hệ số theo bảng lương chuyên gia cao cấp (theo Nghị định 204/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang). Cụ thể, chuyên gia, nhà khoa học là GS, PGS được hưởng bậc 2 (hệ số 9,40). Những trường hợp còn lại được hưởng bậc 1 (hệ số 8,80). Chuyên gia thực hiện tốt nghĩa vụ, có thành tích xuất sắc và nhiều cống hiến, được tiếp tục ký hợp đồng sẽ hưởng mức lương cao hơn 1 bậc so với mức lương của hợp đồng đầu tiên. Bên cạnh đó, các chuyên gia, nhà khoa học sẽ được hưởng phụ cấp 1% tổng kinh phí ngân sách TP chi trả cho mỗi công trình, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến, đề xuất chính sách, đổi mới kỹ thuật, công nghệ được công nhận. Tổng mức hỗ trợ từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/người/công trình nghiên cứu. Chuyên gia, nhà khoa học còn được phân chia lợi nhuận từ kết quả thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu; được bố trí nhà ở công vụ hoặc hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thuê nhà ở (mức hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng/tháng). Theo Sở Nội vụ TPHCM, để kịp thời giải quyết tình trạng “khát nhân lực” ở các đơn vị khoa học trọng điểm, TPHCM từng áp dụng một số chính sách đặc thù thu hút chuyên gia KH-CN làm việc tại Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp công nghệ cao, Viện KH-CN tính toán và Trung tâm Công nghệ sinh học. Mức thù lao chi trả cho mỗi chuyên gia theo thỏa thuận, nhưng không quá 150 triệu đồng/tháng. Tính từ khi có chính sách (gần cuối năm 2014) đến năm 2017, TP chỉ thu hút được 15 chuyên gia (trong đó có 5 chuyên gia người nước ngoài, 8 người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài). Song, hiện nay chỉ còn 10 trường hợp đang tiếp tục công tác. UBND TPHCM nhận xét, cơ chế, chính sách đãi ngộ mà TP đang áp dụng dù cao hơn so với mặt bằng chung nhưng chưa đủ sức hấp dẫn. Vì vậy, kỳ vọng với chính sách vừa ban hành, sẽ khắc phục những bất cập và tạo được sự đột phá trong thu hút, phát huy nhân tài.
Trường hợp chất lượng công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm công nghệ hoặc đề án, đề tài, dự án đề xuất không đạt yêu cầu (về tiến độ, chất lượng); sử dụng thông tin, tài liệu nghiên cứu để trục lợi cá nhân… thì các chuyên gia, nhà khoa học được coi là không đạt yêu cầu. Khi đó, TP sẽ ngưng các chính sách ưu đãi, ưu tiên; đồng thời, chấm dứt hợp đồng và thu hồi các khoản kinh phí phục vụ nghiên cứu chưa sử dụng hết hoặc chi trả sai.