Ngày 13-2, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến kết nối với 63 tỉnh - thành, trao giải cho 21 tác phẩm viết về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT).
Tham dự có bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Theo ban tổ chức, sau hơn nửa năm phát động cuộc thi Viết về BHXH, BHYT, ban tổ chức đã nhận được hơn 4.700 bài dự thi từ công chức, viên chức ngành BHXH; giáo viên, hội viên phụ nữ, đoàn viên thanh niên, sinh viên – học sinh, lực lượng vũ trang và đông đảo người dân. Các bài dự thi phản ánh công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, khắc phục tình trạng chây ỳ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; đấu tranh ngăn chặn các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, BHXH; cải cách hành chính; phát hiện, biểu dương, nhân rộng nhiều gương người tốt việc tốt trong lĩnh vực BHXH, BHYT…
Qua 2 vòng sơ khảo, 52 bài viết có số điểm cao nhất lọt vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã lựa chọn được 21 tác phẩm có chất lượng xuất sắc nhất để trao giải. Trong đó, không có tác phẩm nào đoạt giải Đặc biệt; 2 tác phẩm đoạt giải Nhất (tiền thưởng 20 triệu đồng/giải); 2 giải Nhì (15 triệu đồng/giải); 5 giải Ba (7 triệu đồng/giải) và 12 giải Khuyến khích (5 triệu đồng/giải).
TPHCM có các tác phẩm đoạt giải gồm: Loạt bài "Thuốc đặc trị" cho giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH giả" của Đỗ Bá và Quang Thuận - giải Nhì; tác phẩm "Chúng ta hướng tới điều gì" của Trương Thị Ngọc Sương - giải Ba và 2 giải Khuyến khích.
Phát biểu tại lễ trao giải, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam trân trọng chúc mừng các cá nhân đoạt giải. Bà Nguyễn Thị Minh nhận xét, ý nghĩa lớn nhất của cuộc thi là giúp lan tỏa những chính sách BHXH tới mọi tầng lớp nhân dân, tới mọi nhà, mọi người. Đồng thời, cổ vũ cán bộ, người lao động, nhân dân quan tâm tìm hiểu, tích cực tham gia BHYT, BHXH – trụ cột chính đảm bảo an sinh xã hội.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nói thêm, chính sách BHYT ở Việt Nam thuộc nhóm tốt nhất thế giới.
“Người dân mua BHYT chỉ khoảng 800.000 đồng/thẻ/năm (khoảng 35 USD), nhưng có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, đã được BHYT chi trả lên đến hơn 1,2 tỷ đồng. Đây không phải tự khen mình mà đã được cộng đồng quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá về ý nghĩa nhân văn cao của BHYT ở Việt Nam. Trình độ khám, chữa bệnh; trang thiết bị y tế ở Việt Nam cũng không thua kém các nước. Nhiều dịch vụ y tế, có khi chỉ sau 1 tháng thế giới có cái gì, Việt Nam đã có cái nấy, với trình độ y bác sĩ rất giỏi”, bà Nguyễn Thị Minh chia sẻ.