Chính sách bảo hiểm xã hội: Khắc phục tình trạng càng ở lâu càng bị thiệt

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10-2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5-2024 và có hiệu lực từ 1-7-2025.

Trong tờ trình dự thảo luật vừa gửi đến Quốc hội, Chính phủ đưa ra 2 phương án về chính sách rút BHXH một lần. Tuy nhiên, với cả 2 phương án này, người lao động còn rất băn khoăn, lo ngại. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Đình Quảng (ảnh), Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, về vấn đề này.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

PHÓNG VIÊN: Theo tờ trình dự thảo luật, ở phương án 1, người đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến từ ngày 1-7-2025) được rút BHXH một lần; phương án 2, tất cả người lao động đóng BHXH dưới 20 năm vẫn được rút BHXH một lần, nhưng chỉ được nhận tối đa 50% tổng thời gian đã đóng, phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ khi đủ điều kiện. Ông đánh giá thế nào về 2 phương án này?

* Ông LÊ ĐÌNH QUẢNG: Đây là 2 phương án mới sau khi Chính phủ tiếp thu ý kiến của người lao động, các tổ chức, bộ ngành và các bên liên quan để trình Quốc hội. Rút BHXH một lần là chính sách nhân văn, đã được áp dụng từ rất lâu để giúp giải quyết khó khăn cấp bách cho những lao động khó khăn, không may mất việc làm, phải nghỉ việc... Nếu thay đổi thì cần tính toán, cân nhắc một cách kỹ lưỡng các phương án, nhất là đánh giá tác động, tránh tạo ra làn sóng rút BHXH một lần ồ ạt để “né” luật.

Theo tôi, nếu đề xuất không cho người lao động rút BHXH một lần kể từ khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thì cần lường trước hệ lụy của việc này. Điều quan trọng là phải thiết kế luật theo hướng làm sao để những lao động ở lại lâu dài trong hệ thống thì sẽ được nhiều quyền lợi hơn, qua đó kích thích họ muốn ở lại hơn, thay vì cắt giảm bớt các chế độ, chính sách (ví dụ như phương án chỉ cho nhận 50%) khi họ nhận BHXH một lần.

Thưa ông, sau khi thẩm tra tờ trình dự thảo luật, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đề nghị Bộ LĐTB-XH xem xét bổ sung chính sách trợ cấp con cái của người lao động đang tham gia BHXH để giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút một lần. Tiền trợ cấp được trực tiếp giảm trừ vào học phí, các chi phí học tập của trẻ. Ông có ý kiến gì về giải pháp này?

* Đề xuất của Tổ chức Lao động quốc tế và Ủy ban Xã hội của Quốc hội là cần bổ sung chế độ trợ cấp cho con cái và gia đình của người lao động, qua đó tăng tính hấp dẫn của chính sách và giảm tình trạng rút BHXH một lần, chứ không phải là đánh đổi bằng cách bỏ chính sách rút BHXH một lần để thay vào chính sách trợ cấp gia đình…

Lãnh đạo BHXH TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) hướng dẫn người dân tra cứu, thực hiện các thủ tục liên quan BHXH. Ảnh: VĂN PHÚC

Lãnh đạo BHXH TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) hướng dẫn người dân tra cứu, thực hiện các thủ tục liên quan BHXH. Ảnh: VĂN PHÚC

Vậy ông đề xuất giải pháp gì để giữ người lao động ở lại lâu dài trong hệ thống an sinh xã hội thay vì muốn rút BHXH một lần?

* Nhiều người lao động cho biết, họ đã đóng BHXH 20-25 năm hoặc hơn, nhưng do cách tính lương hưu bất cập hiện nay, khi về hưu, có thể mức lương hưu chỉ được khoảng 1,5-2,5 triệu đồng/tháng. Theo cách tính hệ số trượt giá và tính trung bình cho cả quá trình đóng như hiện nay, càng tham gia BHXH với thời gian dài thì càng bị thiệt, nhất là khi mức lương ban đầu quá thấp. Đây là một trong những bất cập của luật hiện nay mà chúng ta lại chưa tính toán kỹ. Bài toán này cần phải được xem lại, đặc biệt là cách tính các hệ số trượt giá. Cần thiết kế đồng bộ các chính sách làm sao để càng ở lâu trong hệ thống an sinh xã hội phải càng được lợi hơn.

Tại cuộc hội thảo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về lấy ý kiến của người lao động, chúng tôi cũng đã phản ánh tâm tư của người lao động và công đoàn cơ sở về những bất cập trong chính sách BHXH. Chúng tôi hy vọng ban soạn thảo, tổ biên tập dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) sẽ tiếp thu, tổng hợp những ý kiến này bởi giai đoạn hiện nay, Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội đưa ra thảo luận.

Đóng BHXH đủ 20 năm, lương hưu chỉ 1,44 triệu đồng/tháng

Trường hợp người lao động tham gia BHXH từ năm 2004, ở thời điểm đó, mức lương để đóng BHXH chỉ là 516.200 đồng/tháng. Khi tính lương hưu, lại căn cứ trên mức lương trung bình của cả quá trình tham gia và các mức lương trước đây được nhân với hệ số bù trượt giá. Nếu nhân với hệ số trượt giá được áp cho năm 2004 chỉ có 3,21 thì mức lương bình quân được tính trượt giá cho năm 2004 là 1,657 triệu đồng/tháng. Khi tính mức lương bình quân của cả quá trình tham gia thì sẽ bị mức lương bình quân của những năm đầu kéo xuống rất thấp.

Chưa kể tình trạng phổ biến hiện nay là nhiều doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động dựa trên mức lương thực tế, mà chỉ đóng theo mức lương tối thiểu (trên 5 triệu đồng/tháng). Do đó, mức lương bình quân để tính lương hưu cho cả quá trình chỉ khoảng 3,2 triệu đồng/tháng.

Nếu về hưu khi đã đủ tuổi và đóng BHXH đủ 20 năm (được hưởng 45%) thì tiền lương hưu chỉ được 1,44 triệu đồng/tháng (45% x 3,2 triệu đồng). Nếu cố gắng về hưu sau khi đóng đủ 35 năm (được hưởng tối đa 75%) thì lương hưu cũng chỉ được 2,4 triệu đồng/tháng (75% x 3,2 triệu đồng).

Tin cùng chuyên mục